Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Gói hỗ trợ tín dụng: Cánh cửa “hẹp” với doanh nghiệp vừa và nhỏ

Gói hỗ trợ tín dụng với mức lãi suất ưu đãi được coi là "phao cứu sinh" giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc tiếp cận gói tín dụng này là điều không dễ.

Điều kiện tài sản thế chấp - khó khăn với doanh nghiệp

Mặc dù nhiều ngân hàng đã cam kết về gói hỗ trợ tín dụng để gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được bởi các thủ tục rắc rối, doanh nghiệp phải làm báo cáo kiểm toán, đánh giá thiệt hại, chưa kể doanh nghiệp phải chứng minh được thanh khoản của mình

Gói hỗ trợ tín dụng: Cánh cửa “hẹp” với doanh nghiệp vừa và nhỏ - Ảnh 1.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng.

Hơn 20 năm kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, có lẽ đây là thời điểm khó khăn nhất của Công ty TNHH dịch vụ Trường Sơn, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc nên khi biết đến gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, Công ty TNHH dịch vụ Trường Sơn thấy rất mừng. Tuy nhiên theo anh Bùi Trường Sơn - Giám đốc Công ty thì việc tiếp cận gói vay này với doanh nghiệp anh là điều không dễ.

Anh Sơn chia sẻ, cùng với đề xuất được giãn nợ, giảm lãi suất vay số tiền 10 tỷ đồng cũ, Công ty đã đặt vấn đề vay thêm từ 5-7 tỷ đồng từ gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng nhưng xem ra rất khó, bởi các ngân hàng đánh giá mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp theo tiêu chuẩn thông thường thay vì trong tình huống dịch bệnh và vẫn yêu cầu tài sản thế chấp nếu muốn được tiếp tục vay vốn để duy trì hoạt động. "Việc các ngân hàng yêu cầu có tài sản thế chấp mới được vay gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng là điều kiện rất khó đối với doanh nghiệp vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cả nhà hàng, khách sạn đang đóng cửa và những tài sản lớn, Công ty đều đã thế chấp để vay số tiền trên 10 tỷ đồng từ năm 2017"- ông Sơn nói.

Giám đốc một doanh nghiệp du lịch lâu năm ở Bình Định cho rằng, với tình trạng hiện nay, khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, du lịch chưa thể phục hồi ngay, vốn vay sẽ chỉ được rót để cứu các công ty, tập đoàn lớn chứ doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ khó vay vì không có tài sản thế chấp mà ngân hàng thì không thể mạo hiểm cho vay những doanh nghiệp "trắng tay" được. Thậm chí, doanh nghiệp vừa và nhỏ vay trước đó còn đang lo lắng về việc có thể bị ngân hàng thu nợ vì sợ doanh nghiệp phá sản. Từ đó sẽ dẫn đến tình trạng có nhiều gói hỗ trợ mà doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận được.

Theo khảo sát tình hình DN của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, chỉ trong 3 tháng đầu năm đã có 85% DN nằm trong nhóm được khảo sát rơi vào tình trạng bị thu hẹp thị trường vì dịch bệnh; 60% DN thiếu vốn, đứt dòng tiền; 40% DN thiếu nguồn cung nguyên liệu… 82% DN trong tổng số được khảo sát cho rằng doanh thu năm 2020 sẽ bị sụt giảm so với 2019. Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy, hiện nay chỉ có hơn 20% doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ, do nhiều vướng mắc về thủ tục triển khai.

"Nước chảy chỗ trũng"

Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, gói hỗ trợ tín dụng với quy mô đăng ký ban đầu 250.000 tỷ, sau đó lên 285.000 tỷ đồng, đến nay các ngân hàng đã mở rộng gói cho vay lãi suất thấp lên gần 600.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, để gói hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, giúp các doanh nghiệp "vượt bão" trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng đều phải thận trọng, đánh giá, thẩm định kỹ khả năng thu hồi nợ và không thể cho các doanh nghiệp vay vô điều kiện, bởi nguồn vốn hỗ trợ là do các ngân hàng thương mại tự bỏ ra. Bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp và họ phải bảo đảm khả năng thu hồi nợ.

Chuyên gia tài chính, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nêu thực tế, các Ngân hàng đăng ký vào gói hỗ trợ doanh nghiệp, đến thời điểm này có thể cao hơn 600.000 tỷ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là số tiền đó liệu có đến tay các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay không, hay là tiền đó các Ngân hàng dành cho khách hàng quen thuộc của họ, những doanh nghiệp lớn có khả năng bảo đảm việc trả nợ? Liệu các doanh nghiệp đang lao đao vì dịch Covid-19 có được vay hay không? Nếu để cho các Ngân hàng tự hành động thì họ sẽ hành động theo chỉ tiêu lợi nhuận và an toàn vốn của họ.

Gói hỗ trợ tín dụng: Cánh cửa “hẹp” với doanh nghiệp vừa và nhỏ - Ảnh 3.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn sau đại dịch covid.

Ông Hiếu cho hay, bản thân ông đã nói chuyện với rất nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa (DNNVV), và đều nhận được câu là tiền chưa đến được tay họ. Vì những DN được vay vốn là DN đều đang có khả năng chịu đựng trong thời điểm khó khăn này, còn những DN thực sự khó khăn và cần vốn để có thể cầm cự và vượt qua đại dịch, cần tiền để trả lương cho người lao động, cần tiền để đóng thuế, trang trải các chi phí khác thì hầu như không được vay vốn. Như vậy, vô hình trung, gói tín dụng này tiếp tục tái diễn tình trạng "nước chảy chỗ trũng", và nó chỉ dành cho khách hàng tốt, khách hàng thân thiết và khó vừa phải, chứ với những DN thức sự khó khăn, các ngân hàng đang tìm cách tránh rót vốn.

"Tôi đề nghị Chính phủ cần có quy định chặt chẽ về gói hỗ trợ doanh nghiệp. Trong gói đó, tất cả các Ngân hàng đăng ký phải chia ra tỷ lệ bao nhiêu phần trăm là giúp cho các doanh nghiệp là khách hàng hiện hữu của mình, bao nhiêu phần trăm giúp cho các doanh nghiệp mới, bao nhiêu phần trăm giúp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bao nhiêu phần trăm giúp cho các doanh nghiệp đang bị tác động bởi dịch bệnh và các tiêu chí phải được quy định, thế nào là tác động bởi dịch bệnh" – Ts. Hiếu đề xuất.