Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Góp ý xây dựng Dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)

Thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật năm 2019, để hoàn thiện hồ sơ dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi - gọi tắt Pháp lệnh) trình Chính phủ, ngày 25/11, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức họp lấy ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau trong Dự thảo Pháp lệnh. Tham dự cuộc họp có đại diện Chính phủ, các bộ, ngành, Hội Cựu chiến binh, Hội Nan nhân chất độc da cam….Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng chủ trì cuộc họp.

Sửa đổi toàn diện

Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 29/8/1994 là cơ sở pháp lý vững chắc nhằm thể hiện trách nhiệm của Nhà nước và toàn xã hội trong việc quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần người có công và gia đình người có công. Từ đó đến nay, Pháp lệnh đã được sửa đổi qua các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và được đổi tên thành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Hiện công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tiếp tục đặt ra các yêu cầu mới, đòi hòi cần tiếp tục hoàn thiện. Thực tiễn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (gọi tắt Pháp lệnh) đang bộc lộ một số vướng mắc, bất cập.

Góp ý xây dựng Dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) - Ảnh 1.

Lấy ý kiến các bộ, ngành, tổ chức Hội về Dự thảo Pháp lệnh người có công (sửa đổi).

Chính vì vậy, việc sửa đổi toàn diện lần này để thay thế Pháp lệnh hiện hành nhằm tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Pháp lệnh, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đồng thời tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm, chủ trương của Đảng, đồng thời tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, minh bạch, thống nhất, đảm bảo công bằng, hợp lý, tạo sự đồng thuận cao của xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân của họ. Huy động sự tham gia đóng góp tích cực hơn nữa của xã hội, của các tổ chức, cá nhân để cùng với nhà nước chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và thân nhân của người có công. Xác định cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên người có công với cách mạng và gia đình vươn lên phát triển kinh tế, gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng tại nơi cư trú, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Góp ý xây dựng Dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng thông tin về những điểm mới của Dự thảo Pháp lệnh.

Thay mặt Ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) có nhiều điểm mới, Dự thảo Pháp lệnh gồm 6 chương, 57 điều (bổ sung 2 Chương, tăng 7 điều và bỏ 1 Chương so với Pháp lệnh hiện hành). Trong đó, điểm mới được đưa vào là đặt lại tên điều và tên chương. Dự thảo lần này cũng được thiết kế theo hướng quy định cụ thể điều kiện quy định từng diện đối tượng theo các chế độ chính sách. Trong đó, phạm vi điều chỉnh được tập trung vào: Quy định về đối tượng, điều chỉnh một số chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân; công trình ghi công liệt sĩ, quản lý nhà nước, nguồn lực thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi với người có công và thân nhân… Ngoài ra, Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) cũng có thêm một số điều chỉnh về đối tượng áp dụng; đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; việc giải thích từ ngữ; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân; nguyên tắc thực hiện chính sách thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

Cả làng, cả xã "chạy" chế độ chất độc hóa học

Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Lợi cho biết, trong quá trình lấy ý kiến soạn thảo dự án Pháp lệnh, các nội dung sửa đổi nhận được sự đồng thuận của hầu hết các Bộ, Ban, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các Hội, các địa phương, chuyên gia và nhân dân.

Theo Ban soạn thảo hiện nội dung Dự thảo Pháp lệnh có một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, gồm: Bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Công nhận liệt sĩ đối với trường hợp thương binh, người hưởng chính sách như thương binh chết do vết thương tái phát. Đề nghị xem xét mở rộng đối tượng người có công với cách mạng là người hoạt động kháng chiến nhưng chưa đủ thời gian được tặng Huân chương, Huy chương. Xem xét mở rộng đối tượng là người bị địch bắt tù, đày do tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Thực hiện trợ cấp một lần thay cho trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% đến 40%. Không tiếp tục công nhận xem xét bệnh binh mới là người có công.

Góp ý xây dựng Dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) - Ảnh 3.

Cục trưởng Cục Người có công Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Lợi cho biết quá trình lấy ý kiến soạn thảo dự án Pháp lệnh.

Chia sẻ kết quả thanh tra việc triển khai chính sách ưu đãi đối với người tham gia hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ, Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Tiến Tùng cho biết, hiện nay Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã thanh tra hồ sơ đối tượng người tham gia kháng chiến hưởng chế độ chất độc hóa học tại 17 tỉnh, dự kiến đến năm 2021 kết thúc.

"Qua thanh tra cho thấy, các địa phương nhân thức về vấn đề này chưa được đúng thậm chí điều kiện cần là tham gia vùng bị rải chất độc hóa học còn chưa đủ. Có những địa phương khi thanh tra, đồng chí Chủ tịch tỉnh còn thốt lên: "Nếu cứ xác nhận như thế này thì cả tỉnh tâm thần". Nhiều người đến bệnh viện tâm thần (cấp tỉnh hoặc trung ương) lấy giấy điều trị ngoại trú 1 tuần, sau đó về xác nhận là tâm thần để hưởng chế độ và làm chế độ cho con. Một số cháu gái mới ở độ tuổi 6-10 tuổi nhưng bệnh viện vẫn xác nhận là "ngực lép" hoặc kết luận không có khả năng lao động. Số này thường rơi vào nhóm đối tượng người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% đến 40%" – ông Nguyễn Tiến Tùng cho biết.

Ông Tùng cho biết thêm, hiện nhóm đối tượng này chiếm tới 70% nhóm đối tượng người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hóa học vì việc xác nhận đối tượng này trước đây rất dễ. Chỉ cần Hội đồng cấp xã xác nhận không khả năng lao động ( với cả trường hợp dưới 15 tuổi), nữ ngực lép là đủ điều kiện hưởng chế độ.

Nêu quan điển của mình ông Tùng cho rằng, để ngăn chặn tình trạng, cả làng cả xã "chạy" hưởng chế độ chất độc hóa, chúng ta nên thực hiện trợ cấp một lần thay cho trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% đến 40%. "Khi tác dụng của việc hưởng không được nhiều nữa dân chúng sẽ không cố tình "đầu tư" để hưởng chất độc hóa học ở các địa phương nữa" – ông Tùng nói.

Tại cuộc họp Phó Cục trưởng Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) Đoàn Quan Hòa đánh giá cao quá trình xây dựng Pháp lệnh của Bộ LĐ-TB&XH, đồng thời góp ý cho một số vấn đề trong dự thảo như: công nhận liệt sĩ với trường hợp thương binh, người hưởng chính sách như thương binh chết do vết thương tái phát cần xây dựng Pháp lệnh dựa trên căn cứ tuổi thọ người Việt Nam và tuổi lao động. Đồng tình không mở rộng đối tượng người có công với cách mạng là người hoạt động kháng chiến nhưng chưa đủ thời gian được tặng Huân chương, Huy chương…

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao các ý kiến phát biểu đầy trách nhiệm, thể hiện quan điểm rõ ràng của các đại biểu. Các ý kiến sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu, tổng hợp đưa vào dự thảo trình Chính phủ thời gian tới.