Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Grab chưa thông tin rõ với cơ quan thuế lý do tăng giá cước và mức chiết khấu

Kết thúc buổi làm việc nội bộ giữa 2 bên chiều 9/12, đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng: Phía Grab chưa thông tin rõ ràng với cơ quan thuế lý do vì sao tăng giá cước và mức chiết khấu khiến hàng loạt lái xe Grab bất bình. Việc điều chỉnh được phía Grab đưa ra vì liên quan tới Nghị định 126 là không hợp lý.

Theo tờ Tin tức của Thông tấn xã Việt Nam, tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Thuế đã giải thích rõ cho Grab về Nghị định 126/2020/NĐ-CP không có thay đổi về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT). Nghị định 126 quy định nghĩa vụ khai thuế GTGT đối với hoạt động hợp tác kinh doanh là do doanh nghiệp thực hiện. Doanh nghiệp phải khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh.

Grab là hoạt động kinh doanh vận tải, đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh: Doanh nghiệp khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì thuế suất thuế GTGT là 10% và doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định.

Trước đó, Grab Việt Nam cho biết sẽ tăng thuế GTGT từ 3 lên 10% với mỗi cuốc xe công nghệ với lý do thực hiện theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Do đó, Grab đã cân nhắc cẩn trọng để đề xuất giá cước mới phù hợp; đồng thời tiến hành khấu trừ nghĩa vụ thuế GTGT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả. Phí sử dụng ứng dụng (chiết khấu) áp dụng cho đối tác tài xế vẫn được giữ nguyên không thay đổi.

Liên quan đến vấn đề này, báo Người Lao động cho biết, Tổng cục Thuế cho hay Nghị định 126 là văn bản hướng dẫn về quản lý thuế nên chỉ quy định rõ hơn về việc khai thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân, không phải quy định mới về chính sách thuế GTGT - chính sách thuế GTGT đối với hoạt động vận tải công cộng không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% như từ trước đến nay.

Đối với trách nhiệm của Grab trong việc phải thực hiện khai thuế GTGT theo quy định của pháp luật, Tổng cục Thuế cho biết Grab được xác định là hoạt động kinh doanh vận tải, không phải là hoạt động kinh doanh công nghệ.

Grab chưa thông tin rõ với cơ quan thuế lý do tăng giá cước và mức chiết khấu - Ảnh 1.

Hàng trăm lái xe Grabike tập trung đông đảo diễu hành trên đường Trần Duy Hưng. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN.

Thực tế Grab giữ vai trò quyết định về giá vận tải, quyết định về các chính sách với khách hàng, chịu trách nhiệm giao dịch với khách hàng. Do đó, Grab có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về pháp lý trong mọi lĩnh vực (bao gồm nghĩa vụ thuế) với cơ quan Nhà nước, nghĩa vụ với khách hàng và các vấn đề liên quan đến tư pháp (nếu có) là đúng với bản chất hoạt động kinh tế phát sinh.

Khi Nghị định 126 có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12, Grab đã động thái điều chỉnh tăng tỉ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabBike tăng từ 23,6 lên 27,273%; với GrabCar, mức khấu trừ mới là 28,364% và 32,841% so với mức 23,6% và 28,375% trước kia. Cùng với tăng chiết khấu, Grab cho biết tăng giá cước để bù lại mức tăng thuế.

Trước đó, từ ngày 5/12, Grab điều chỉnh giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2 km đầu và tăng thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng) cho mỗi km tiếp theo. Hiện trong các hãng xe công nghệ như Grab đang hoạt động ở Việt Nam gồm: Gojek, BE, VATO, FastGo, MyGo; duy chỉ mới có Grab đã nhanh chân thực hiện việc tăng giá cước khi Nghị định 126/2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12.

Tương tự, GrabCar 7 chỗ sẽ áp dụng mức tăng từ 30.000 lên 32.000 đồng cho 2km đầu tiên và từ 10.000 lên 11.000 đồng cho mỗi km tiếp theo.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 lên 27.000 đồng cho 2km đầu tiên và tăng thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo. Giá các dịch vụ GrabBike, GrabFood, GrabExpress cũng được điều chỉnh tăng.

Mặt khác, Grab cũng tăng tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabCar và GrabBike, trong đó tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabBike tăng từ 20 lên 27,273% và tăng từ 28,375 lên 32,841% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%.

Đáng chú ý đối với dịch vụ xe GrabCar, Grab thu thêm 400 đồng/phút tính theo thời gian di chuyển; dịch vụ GrabCarPlus, Grab thu 500 đồng/phút tính theo thời gian di chuyển.