Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hà Giang nỗ lực giảm nghèo và nâng cao đời sống cho hội viên phụ nữ

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã góp phần nâng cao đời sống, tinh thần cho hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện bình đẳng giới trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Phát triển cây dược liệu - một trong các giải pháp xóa đói, giảm nghèo

Phát triển cây dược liệu - một trong các giải pháp xóa đói, giảm nghèo

 

Vừa qua, Hội LHPN tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức tọa đàm về khoảng cách giới trong thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020 nhằm đánh giá vai trò, sự tham gia của phụ nữ trên các lĩnh vực và đề xuất giải pháp thu hẹp khoảng cách giới, nâng cao sự thụ hưởng của phụ nữ nghèo, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số trong các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo kết quả điều tra hộ nghèo ở thời điểm cuối năm 2015, tỉnh Hà Giang có 74.313 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 43,65%); trong đó có 6 huyện nghèo. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình) trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 - 2020 đã được các cấp, ngành lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt; nhờ đó đời sống nhân dân đã từng bước được cải thiện, giúp người nghèo tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 22,29%, trong đó 6 huyện nghèo tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 64,03% xuống còn 33,51%.

Vai trò nòng cốt của Hội LHPN các cấp trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách về công tác giảm nghèo, tín dụng, đào tạo nghề đến hội viên, phụ nữ.

Xác định hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế là đòn bẩy thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực, các cấp Hội đã tập trung vận động, hướng dẫn hội viên, phụ nữ chủ động phát huy nội lực; chuyển dịch cơ cấu sản xuất; tuyên truyền, hỗ trợ chị em tiếp cận các nguồn vay ưu đãi về phát triển kinh tế gia đình, gắn với xóa đói giảm nghèo bền vững.

Các cấp Hội đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện/thành phố tổ chức đào tạo nghề cho 7.690 hội viên, phụ nữ; tư vấn việc làm cho 3.522 lao động nữ; phối hợp tổ chức trên 1.500 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... cho trên 60.000 lượt người tham gia; hỗ trợ hội viên, phụ nữ tiếp cận các dịch vụ xã hội...