Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hà Nam cần tăng cường nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp

(Dân sinh) - Chiều ngày 10/9, Đoàn công tác của Tổng cục GDNN đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Nam về kế hoạch phát triển GDNN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Tham dự buổi làm việc có Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Thị Việt Hương và các vụ chức năng của Tổng cục. Về phía tỉnh Hà Nam có đồng chí Đinh Thị Lụa, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các ban, ngành chức năng và các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh.

Hà Nam cần tăng cường nguồn lực cho GDNN - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN phát biểu tại buổi làm việc

Đánh giá tình hình thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển GDNN giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn Hà Nam cho thấy, mạng lưới cơ sở GDNN được củng cố, sắp xếp theo hướng tập trung các ngành, nghề trọng điểm. Điều kiện đảm bảo chất lượng GDNN đang từng bước được nâng lên đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhận thức của người dân, xã hội về học nghề, đào tạo nghề thay đổi tích cực. Hiện số cán bộ, giáo viên thuộc các cơ sở GDNN thuộc tỉnh quản lý 337 người. Trong 5 năm qua, các cơ sở GDNN đã tuyển sinh đào tạo được 88.860 người, tỷ lệ người có việc làm sau đào tạo đạt 85-90%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% năm 2020.

Tổng kinh phí chi cho hoạt động GDNN giai đoạn 2016-2020 là trên 480 tỷ đồng. Dù vậy, công tác GDNN của tỉnh gặp nhiều khó khăn do nguồn lực đầu tư hạn chế; Trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục còn thiếu, đặc biệt là các nghề kỹ thuật; Tuyển sinh hệ cao đẳng đạt thấp, một số nghề khó tuyển sinh; Đội ngũ giáo viên một số nghề còn thiếu…

Mục tiêu phát triển GDNN giai đoạn 2021 – 2025 được tỉnh Hà Nam đặt ra là tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về quy mô đi đôi với chất lượng, hiệu quả GDNN theo 3 cấp trình độ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chuyển đổi cơ cấu lao động. Đa dạng hóa các hình thức, các phương pháp đào tạo nghề phù hợp với đối tượng học nghề và yêu cầu sản xuất, coi trọng đào tạo theo hướng ứng dụng thực hành, đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có kỹ năng nghề tương ứng với trình độ đào tạo, góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội.Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nam dự kiến dành 855 tỷ đồng cho phát triển GDNN. Các cơ sở GDNN thuộc tỉnh Hà Nam quản lý tuyển sinh và đào tạo cho 92.500 người, trên 90% có việc làm hoặc có năng suất cao, 10% cơ sở GDNN tự chủ về tài chính…

Để thúc đẩy công tác GDNN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, Hà Nam đặt mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN theo 3 cấp trình độ nhằm đào tạo cho 92.500 người, trong đó có ít nhất 90% số người được đào tạo có việc làm; 60% lao động qua đào tạo có chứng chỉ bằng cấp; có một trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao. Tổng kinh phí dành cho hoạt động phát triển GDNN dự kiến 855 tỷ đồng…

Hà Nam cần tăng cường nguồn lực cho GDNN - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, Đinh Thị Lụa phát biểu tại buổi làm việc

Góp ý về kế hoạch phát triển GDNN của tỉnh giai đoạn 2021-2025, bà Nguyễn Thị Việt Hương- Phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN đánh giá cao kết quả đào tạo nghề của Hà Nam những năm qua. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN cho rằng, sự thay đổi mạnh mẽ của thị trường lao động hiện nay cần thiết phải có định hướng cụ thể trong kế hoạch phát triển GDNN của tỉnh Hà Nam. Trong giai đoạn tới, Phó tổng cục trưởng cho rằng, GDNN của Hà Nam cần trọng tâm hướng sang đào tạo thường xuyên nhằm đào tạo, đào tạo lại cho nhiều lao động đáp ứng yêu cầu thị trường lao động luôn luôn có những biến động. Tăng cường gắn kết doanh nghiệp và nhà trường trong công tác đào tạo, xác định doanh nghiệp là nhà trường thứ hai. Hà Nam cần rà soát, nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển GDNN giai đoạn tới, yêu cầu cụ thể hóa các chỉ tiêu về phân luồng, đào tạo các cấp học, không ngừng nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo. 

Bà Nguyễn Thị Việt Hương đề nghị tỉnh trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Hà Nam cần xác định đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người lao động gắn với thực hiện an sinh xã hội. Tác động của dịch bệnh để lại hệ lụy lâu dài nên Hà Nam cần xác định đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người lao động gắn với thực hiện an sinh xã hội. Hà Nam cần chú trọng đến việc nâng cao chỉ số xếp hạng GDNN. Tập trung nâng cao chuẩn đo lường chất lượng trên cơ sở đánh giá kỹ năng của người lao động. Tăng cường công tác truyền thông cho công tác phát triển GDNN. Tỉnh cần bố trí nguồn lực cho công tác đào tạo nghề của các cơ sở GDNN dồi dào hơn, tập trung hơn …

Phát biểu tại buổi làm việc Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Đinh Thị Lụa, cảm ơn đoàn công tác của Tổng cục GDNN đã dành thời gian làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, có nhiều ý kiến quan trọng với Hà Nam về công tác thực hiện kế hoạch phát triển GDNN những năm tới. Tiếp thu ý kiến của đoàn công tác Tổng cục GDNN , đồng chí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Đinh Thị Lụa cho biết sẽ bổ sung các chỉ tiêu, các nội dung theo yêu cầu của Tổng cục vào kế hoạch phát triển GDNN của tỉnh giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở phù hợp với thực tiễn đào tạo, thị trường lao động của Hà Nam. Tỉnh Hà Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Bộ LĐ-TB&XH hơn nữa trong công tác phát triển GDNN.