Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hà Nội, Bắc Giang dẫn đầu cả nước trong hút vốn FDI

Hà Nội dẫn đầu về vốn FDI đăng ký với gần 1,87 tỷ USD, trong khi Bắc Giang thu hút hơn 1 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm.

Theo báo cáo mới được Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, trong 5 tháng đầu năm, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký với gần 1,87 tỷ USD, chiếm gần 17,2% tổng vốn FDI đăng ký cả nước và tăng gấp gần 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Dây chuyền sản xuất máy in hiện đại tại Công ty Canon Việt Nam - một trong những doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư từ Nhật Bản.

Dây chuyền sản xuất máy in hiện đại tại Công ty Canon Việt Nam - một trong những doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư từ Nhật Bản.

Trong khi đó, Bắc Giang là địa phương xếp thứ hai với vốn đầu tư đăng ký hơn 1 tỷ USD, chiếm hơn 9,4% tổng vốn đầu tư FDI cả nước, tăng gấp gần 2,4 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai...

Nếu xét về số dự án, TP Hồ Chí Minh là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (38,9%), số lượt dự án điều chỉnh (24,9%) và góp vốn mua cổ phần (65,4%).

Theo ghi nhận của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/05/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ nhưng tăng 10,6 điểm phần trăm so với 4 tháng đầu năm.

Dù thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 5 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ song mức giảm đã được thu hẹp khi vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần tăng mạnh hơn so với cùng kỳ.

Cụ thể, có 962 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 66,4% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký đạt hơn 5,26 tỷ USD (tăng 27,8% so với cùng kỳ) và 1.278 giao dịch góp vốn mua cổ phần (giảm 5,6% so với cùng kỳ) nhưng tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,32 tỷ USD (tăng 67,2% so với cùng kỳ).

Tuy vậy, trái ngược với đà tăng của vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần, vốn tăng thêm lại giảm khá mạnh khi có 485 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 22,8% so với cùng kỳ) với tổng vốn đầu tư tăng thêm chỉ gần 2,28 tỷ USD (giảm 59,4% so với cùng kỳ).

Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 6,64 tỷ USD, chiếm 61,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 2,5% so với cùng kỳ.

Ngành hoạt động tài chính, ngân hàng đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,53 tỷ USD, chiếm hơn 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ. Các ngành kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 1,16 tỷ USD (giảm 61,3%) và gần 481 triệu USD (tăng 28,3%), còn lại là các ngành khác.

Xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 29,5%) và điều chỉnh vốn (chiếm 55,1%). Bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số giao dịch góp vốn, mua cổ phần (chiếm 41,3%).

Theo đối tác đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2023, đã có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,53 tỷ USD, chiếm hơn 23,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 14,3% so với cùng kỳ 2022;.

Nhật Bản đứng thứ hai với gần 2,1 tỷ USD, chiếm gần 19,1% tổng vốn đầu tư, gấp gần 2,2 lần so với cùng kỳ. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,61 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư, tăng 41,9% so với cùng kỳ. 

Tuy vậy, xét về số dự án, Hàn Quốc dẫn đầu cả về số dự án mới (chiếm 17,4%), số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 25,2%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 28,5%).