Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hà Nội: Chủ động khắc phục tồn tại, hạn chế để ứng phó với sự cố thiên tai

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong công tác phòng chống thiên tai, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội thủ đô trong thời gian qua, TP. Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế để ứng phó với sự cố thiên tai.

Theo Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội, năm nay diễn biến tình hình thời tiết, thiên tai đi kèm với dịch bệnh Covid 19 ngày một phức tạp khó lường, ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động kinh tế xã hội cũng như công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN).

Trong 9 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 88sự cố thiên tai, hỏa hoạn…làm chết 12 người, bị thương 10người; cháy 17.516 m2 nhà, xưởng và 16ha rừng; hư hỏng 23 phương tiện các loại, tài sản khác 9.997tỷ đồng. Tổng lực lượng, phương tiện tham gia khắc phục hậu quả: 4.139lượt người và 281 lượt phương tiện các loại.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn diễn tập để ứng phó với sự cố thiên tai (Ảnh minh họa)

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn diễn tập để ứng phó với sự cố thiên tai (Ảnh minh họa)

Theo đánh giá, hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động của các cơ quan phòng, chống thiên tai còn thiếu, lực lượng làm công tác tham mưu các cấp chưa chuyên nghiệp, xử lý nhiều tình huống thiên tai còn lúng túng.Công tác thông tin tuyên truyền, cảnh báo, dự báo có mặt còn hạn chế, việc quan tâm đầu tư mua sắm các trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Việc đầu tư cho khu vực trong hệ thống sông Đáy theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 07/10/2014 Quy hoạch phòng chống lũ và đê điều sông Đáy chưa được triển khai do đó khu vực một số huyện như: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thạch Thất, Quốc Oai... còn gặp bất lợi khi xảy ra mưa lớn cũng như lũ rừng ngang đổ về. Việc bố trí kinh phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình phòng, chống thiên tai còn hạn chế, chưa kịp thời.

Một số địa phương, đơn vị vẫn còn tư tưởng chủ quan do đó xây dựng phương án phòng, chống thiên tai chưa cụ thể, chưa sát thực tế, nhất là ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ rừng ngang, sạt lở đất. Một số quận, huyện chưa tập trung chỉ đạo việc thu Quỹ Phòng, chống thiên tai.Công tác tổ chức tập huấn, diễn tập còn ít, công tác xử lý, giải tỏa vi phạm đạt hiệu quả chưa cao. Công tác thu, nộp Quỹ Phòng, chống thiên tai gặp nhiều khó khăn.

Để chủ động phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trước tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, năm 2021, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, kiện toàn cơ quan chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các sở, ban, ngành; ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật phòng, chống thiên tai; Luật Đê điều,… và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Rà soát, điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cụ thể, chi tiết, sát với thực tế. Đặc biệt chú ý tới các tình huống sự cố, thiên tai xảy ra trong khi tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp. Bố trí đủ nguồn lực để chủ động thực hiện tốt các kế hoạch, phương án đã phê duyệt theo phương châm 4 tại chỗ. Chủ động lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng hồ đập, đê điều, cơ sở hạ tầng và các công trình trọng điểm, xung yếu phòng, chống thiên tai. chủ động sửa chữa các hư hỏng.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, tập huấn, diễn tập và nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đẩy mạnh việc thu Quỹ Phòng, chống thiên tai đúng đối tượng, quy định, thực hiện việc quản lý, sử dụng quỹ hiệu quả, kịp thời phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm nâng cao năng lực ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, đồng thời nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai; nâng cao năng lực ứng phó, xử lý khi xảy ra thiên tai. Duy trì nghiêm túc chế độ trực ban 24/24 giờ ở các cấp để theo dõi, tổng hợp và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xảy ra trên địa bàn.