Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hà Nội hỗ trợ 30% kinh phí mua lợn nái để nhanh chóng tái đàn

Đây là thông tin được Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng đưa ra tại hội nghị Triển khai một số giải pháp cấp bách phát triển chăn nuôi lợn và phòng, chống dịch bệnh từ nay đến cuối năm 2020 tổ chức ngày 21/4.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, đàn lợn của toàn thành phố là 1,1 triệu con, trong đó lợn nái là 130.000 con. Hiện nay, ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa) xảy ra từ ngày 1/4 chưa qua 30 ngày.

Hà Nội hỗ trợ 30% kinh phí mua lợn nái để nhanh chóng tái đàn - Ảnh 1.

Hà Nội đặt mục tiêu đến cuối năm 2020, tổng đàn lợn toàn thành phố đạt 1,8 triệu con.

Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin phòng, chống nên tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát dịch. Đặc biệt, các hộ dân thiếu lợn giống để tái đàn, nguyên nhân do giá lợn giống đang quá cao (khoảng 2,5-2,8 triệu đồng/con), rất khó mua do nguồn cung thiếu. Xảy ra tình trạng này là do xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi nên phải tiêu hủy hơn 68.000 con, tương đương khoảng 40% tổng đàn lợn nái/đực giống (trước đó, đàn lợn giống của thành phố là 170.000 con).

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, để cung cấp đủ con giống phục vụ tái đàn, Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty nhập khẩu giống lợn về nuôi để nâng tổng đàn lợn giống lên như thời điểm trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhằm hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, cung cấp nguồn giống chất lượng cao phục vụ cho tái đàn nhằm bảo đảm cuối năm nay, tổng đàn lợn toàn thành phố đạt 1,8 triệu con. Hà Nội sẽ hỗ trợ 30% kinh phí mua lợn nái, mức hỗ trợ không quá 5 triệu đồng/con (số lượng 5.000 con); hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng cho các cơ sở chăn nuôi tái đàn lợn sau bệnh dịch tả lợn châu Phi với mức 100% lãi suất tiền vay đối với tổ chức, cá nhân trong thời gian 6 tháng.

Về lâu dài, Sở NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, trang trại xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phát triển các hình thức liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị để đầu ra thuận lợi kết hợp xây dựng thương hiệu; phối hợp với các tỉnh, thành phố cung cấp nguồn giống bảo đảm chất lượng phục vụ nhu cầu tái đàn. Phối hợp với các huyện rà soát trang trại, hộ chăn nuôi có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học nhằm tái đàn, tăng đàn theo quy hoạch...