Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hà Nội lên phương án, giải pháp chống úng ngập

(Dân sinh) - Theo Sở Xây dựng Hà Nội, năm 2023, thời tiết tiếp tục có diễn biến bất thường, phức tạp. Nắng nóng xuất hiện nhiều hơn, kèm theo đó là những trận mưa không theo quy luật có thể xảy ra. Do đó, các đơn vị cần chủ động các phương án phòng, chống úng ngập mùa mưa.

Trong những năm qua công tác thoát nước phòng, chống úng ngập đã được thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo đặc biệt. Trong mùa mưa, các đơn vị đã tổ chức ứng trực để duy trì, xử lý việc tiêu thoát nước, giảm úng ngập trong thời gian sớm nhất và hướng dẫn phân luồng giao thông theo kế hoạch, từng bước khắc phục.

Cùng với đó, UBND Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành thực hiện một số giải pháp giải quyết tình trạng úng ngập. Cụ thể, Thành phố tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án thoát nước và xử lý nước thải đã có chủ trương đầu tư tại Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 tại Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 23/9/2021 của HĐND Thành phố; Kế hoạch số 312/KH-UBND ngày 28/12/2021 về phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải giai đoạn 2021 - 2025 của UBND thành phố Hà Nội…

Empty

Tuy nhiên, các trận mưa có lượng mưa lớn trên diện rộng, vượt công suất thiết kế của hệ thống thoát nước, nhiều khu vực trên địa bàn vẫn bị ngập sâu, ảnh hưởng tới sinh hoạt, đời sống của người dân. Thời gian tới, Thành phố cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết tình trạng này.

Theo các chuyên gia khí tượng, trong dịp đầu Hè, nắng nóng xuất hiện nhiều hơn nhưng kèm theo đó là những trận mưa không theo quy luật có thể xảy ra. Mưa theo vùng trong thời gian ngắn, lượng mưa vượt trung bình hằng năm và tần suất các cơn bão ảnh hưởng đến khu vực Hà Nội có xu hướng gia tăng.

Trong khi đó, một số khu vực tại Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh, dẫn đến hạ tầng kỹ thuật chưa được xây dựng đồng bộ theo quy hoạch. Các dự án hạ tầng kỹ thuật, giao thông đang triển khai có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ thống thoát nước như các gói thầu dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, việc xây dựng nhà ga S12 (Lê Duẩn - Trần Hưng Đạo)...

Theo tính toán, với các trận mưa có lượng mưa dưới 50mm/giờ, sẽ không xảy ra úng ngập, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố.Còn với các trận mưa có lượng mưa từ 50-70mm/giờ, dự kiến, có 11 điểm/khu vực úng ngập gồm phố: Nguyễn Khuyến, Hoa Bằng, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, phố Cao Bá Quát, Thụy Khuê (đoạn dốc La Pho), Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy), Nguyễn Chính, Đại lộ Thăng Long, phố Ngọc Lâm, đường Hoàng Như Tiếp. Ngoài ra, một điểm phố Nguyễn Chính đã được đầu tư cải tạo thoát nước năm 2022, cần theo dõi đánh giá trong mùa mưa năm nay.

Với các trận mưa có cường độ cao, tập trung trong thời gian ngắn, lượng mưa từ 100 mm/giờ trở lên, gây quá tải cho hệ thống thoát nước thì dự kiến trên địa bàn Hà Nội xuất hiện thêm 19 điểm, khu vực úng ngập cục bộ, gồm các phố: Tông Đản; Đinh Tiên Hoàng; Phùng Hưng; Mạc Thị Bưởi; Quan Nhân; Cự Lộc; Nguyễn Trãi; Phan Văn Trường; Dương Đình Nghệ; Trần Bình; Kẻ Vẽ; Nút giao Cầu Giấy - Dịch Vọng; Ecohome3; Khu đô thị Resco; Phố Đỗ Đức Dục; Đường Nguyễn Xiển; Cổ Linh - Đàm Quang Trung; Quốc lộ 3, đoạn qua xã Mai Lâm (huyện Đông Anh) và đường 23B, đoạn qua thôn Cổ Điển (huyện Đông Anh). Ngoài ra, còn một số điểm ứ đọng nước do mặt đường trũng, thấp.

Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã lên các phương án, giải pháp bảo đảm thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành như tăng cường công tác dự báo, cảnh báo; duy trì thường xuyên hệ thống cống, rãnh thoát nước, mương, sông, hồ điều hòa; kiểm soát, thường xuyên giữ mực nước đệm trên hệ thống mương, sông, hồ điều hòa; sửa chữa, bảo dưỡng các công trình đầu mối, trạm bơm; tổ chức sửa chữa giải quyết úng ngập cục bộ, khắc phục sự cố trên hệ thống và triển khai ứng trực giải quyết tại chỗ.

Theo các chuyên gia đô thị, riêng với Hà Nội, để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng sau mỗi trận mưa lớn, nên xây dựng sơ đồ cảnh báo ngập úng, đặt biển cảnh báo các tuyến phố, các khu vực ngập úng để người dân chủ động tránh nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và bảo vệ tài sản, phương tiện.

Đồng thời, tiến tới việc xây dựng các cảnh báo trực tuyến về tình trạng ùn tắc giao thông, cảnh báo về chất lượng không khí, ô nhiễm không khí, sơ đồ cảnh báo ngập úng, các biển chỉ dẫn ngập úng trên các phần mềm, app ứng dụng cài trên điện thoại thông minh để khuyến cáo đến người dân.