Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hà Nội: Liệu có bất thường trong việc xử lý sai phạm tại hai công viên?

(Dân sinh) - Trong khi Công viên nước Thanh Hà bị đập bỏ gây nhiều tranh cãi chỉ trong vòng mấy tháng hoạt động, thì hàng loạt công trình như nhà hàng, sân Golf, kho xưởng được xây dựng kiên cố với quy mô hàng chục ha, trái với quy định, quy hoạch của TP. Hà Nội đang diễn ra nhiều năm nay tại Công viên thể thao cây xanh Hà Đông lại xử lý hết sức chậm chạp.

Dự án Công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông được UBND tỉnh Hà Tây trước đây phê duyệt xây dựng trên địa bàn phường Hà Cầu và Kiến Hưng, có tổng diện tích khoảng 98ha, trong đó 52,8ha đã được giải phóng mặt bằng (GPMB). UBND TP. Hà Nội giao cho quận Hà Đông triển khai xây dựng từ năm 2008, nhưng đến nay dự án vẫn giẫm chân tại chỗ.

Hà Nội: Liệu có bất thường trong việc xử lý sai phạm tại hai công viên? - Ảnh 1.

Hàng loạt công trình kiên cố được xây dựng trong Công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông

Trên cơ sở đề xuất của UBND quận Hà Đông về phương án quản lý khai thác sử dụng tạm thời đối với diện tích đất 52,8h đã GPMB, và sự chấp thuận của Sở Kế hoạch & Đầu tư, ngày 22/5/2015, UBND thành phố Hà Nội có Văn bản chấp thuận cho phép UBND quận Hà Đông tổ chức quản lý, sử dụng, tạm khai thác chống lấn chiếm đối với diện tích đất đã GPMB thuộc khu đất quy hoạch xây dựng khu công viên vui chơi giải trí quận Hà Đông, đảm bảo các nguyên tắc phục vụ nhu cầu về hoạt động thể dục thể thao; phù hợp với quy hoạch chung của dự án…

Trong văn bản cũng quy định rất rõ ràng: Chỉ được xây dựng các công trình tạm thời, bằng các vật liệu tạm, khấu hao nhanh (sân bóng mini, sân tập golf, bãi đỗ xe tĩnh…). Không được xây dựng công trình kiên cố, xây dựng công trình cấp 4, 1 tầng… Sau khi được chấp thuận, UBND quận Hà Đông đã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) Hà Đông quản lý và ký hợp đồng cho thuê với 12 đơn vị với diện tích khoảng 30ha.

Quy định của UBND TP. Hà Nội là vậy, nhưng thực tế hiện nay, gần như toàn bộ công trình trong công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông được xây dựng kiên cố, với hàng trăm hạng mục lớn nhỏ, như chợ, nhà hàng, quán ăn, kho xưởng cho thuê, khiến cho Công viên thể thao cây xanh Hà Đông hiện nay bị băm nát, chẳng khác gì một khu dân cư.

Hà Nội: Liệu có bất thường trong việc xử lý sai phạm tại hai công viên? - Ảnh 3.

Những công trình kiên cố được xây dựng bất chấp quy định

Được biết thời gian qua, UBND quận hà Đông đã tiến hành xử lý những công trình sai phạm cũng như những cán bộ liên quan. Tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi thì hiện nay sai phạm tại Công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông vẫn chưa có gì thay đổi.

Mặt khác, để xảy ra tình trạng trên liệu chủ trương "quản lý sử dụng, tạm khai thác chống lấn chiếm" của UBND quận Hà Đông có phát huy tác dụng "ngược" vì để xảy ra vi phạm tràn lan. Nếu sau này triển khai dự án thì 52,8ha đất sạch, đã được GPMB liệu có trở thành "đất bẩn", phải tiến hành cưỡng chế, giải phóng mặt bằng một lần nữa không, khi các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại đây?

Bên xử, bên không?

Quay lại vấn đề tại Công viên nước Thanh Hà, mới đây Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 đã có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan tới việc cưỡng chế tháo dỡ tại công viên này.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, Cienco 5 cho biết do vi phạm nên công ty chấp hành việc quyết định tháo dỡ. Tuy nhiên, do khối lượng công việc nhiều và các hạng mục lắp đặt phức tạp, cần thực hiện theo quy trình kỹ thuật và do nhà thầu lắp đặt tháo dỡ để đảm bảo không hư hỏng, không mất giá trị sử dụng của tài sản nên Công ty này đã gửi báo cáo đến UBND quận Hà Đông đề nghị gia hạn và xem xét tạo điều kiện để xử lý các thiết bị kỹ thuật theo quy trình. Tuy nhiên, kiến nghị này không được chấp nhận.

Hà Nội: Liệu có bất thường trong việc xử lý sai phạm tại hai công viên? - Ảnh 4.

Công viên nước Thanh Hà bị phá dỡ

"Sau hai ngày thực hiện cưỡng chế, UBND quận Hà Đông đã thực hiện đập phá toàn bộ các hạng mục xây dựng trong khuôn viên công viên nước Thanh Hà. Toàn bộ tài sản mà Công ty đầu tư hơn 200 tỷ đồng đều bị hủy hoại và không còn giá trị sử dụng…". Do đó, đại diện Cienco 5 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND quận Hà Đông cùng doanh nghiệp xác định thiệt hại vật chất do hành vi thực hiện cưỡng chế không đúng quy định của pháp luật mà UBND quận Hà Đông gây ra và thực hiện việc bồi thường cho doanh nghiệp đúng quy định của pháp luật.

Điều đáng bàn, trong Công văn số 07 ngày 17/1/2020 gửi UBND quận Hà Đông, Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 có nêu: "Thậm chí Cty đã có đề xuất hiến tặng các công trình trên lô đất này cho UBND phường Phú Lương nhằm mục đích xã hội, nhưng không nhận được sự phản hồi.

Hà Nội: Liệu có bất thường trong việc xử lý sai phạm tại hai công viên? - Ảnh 5.

Công viên nước Thanh Hà tan hoang sau khi bị cưỡng chế

Theo tìm hiểu, Công viên nước Thanh Hà được xây dựng trên diện tích 3 ha với 11 công trình phục vụ vui chơi, 8 công trình phụ trợ với tổng mức đầu tư lên đến hơn 200 tỷ đồng. Nếu đem so sánh với quy mô sai phạm hàng chục ha tại Công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông thì nó không thấm vào đâu. Thế nhưng tại sao một bên thì bị xử lý không thương tiếc, còn bên kia thì xử lý nửa vời cho qua?

Trước sự việc trên có thể thấy bên cạnh những vi phạm của doanh nghiệp thì phải khẳng định rằng có dấu hiệu sai phạm trong công tác buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương. Việc xử lý vi phạm tại Công viên nước Thanh Hà thể hiện sự nghiêm minh, thượng tôn pháp luật, không bao che, dung túng cho sai phạm.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói lại, đó là nếu như những người có trách nhiệm thực hiện quyết liệt ngay từ đầu, đúng quy định của pháp luật, hay nói cách khác là "thượng tôn pháp luật" thì đâu có dẫn đến cơ sự như ngày hôm nay.