Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hà Nội tăng cường quản lý chặt các lễ hội dịp đầu năm 2023

Thành phố thống nhất chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện quản lý tốt các lễ hội trên địa bàn, trong bối cảnh số lượng du khách đến với lễ hội dự báo rất lớn sau 2 năm dừng tổ chức để phòng COVID-19.

Khai hội chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội.

Khai hội chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa có cuộc họp với các sở, ngành và các địa bàn có nhiều lễ hội như: Huyện Mỹ Đức, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và quận Đống Đa.

Thành phố thống nhất chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện quản lý tốt các lễ hội diễn ra trên địa bàn. Lễ hội chùa Hương được xác định là lễ hội lớn của quốc gia và thành phố Hà Nội, kéo dài trong 3 tháng. Số lượng phật tử tham gia hành hương và du khách đến với lễ hội dự báo rất lớn, bởi sau 2 năm dừng tổ chức để phòng, chống dịch COVID-19.

Để chủ động trong công tác tổ chức lễ hội, Ban Thường vụ Huyện ủy Mỹ Đức đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức lễ hội, chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội và phân công các đơn vị phòng ban, Ủy ban nhân dân xã Hương Sơn thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức cần chuẩn bị tốt công tác quản lý, tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2023 hiệu quả, đảm bảo đúng mục đích, nội dung, giá trị văn hóa, lịch sử của lễ hội; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tính nhân văn đối với xã hội và mỗi người dân; tăng tính hiệu quả trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc.

Ủy ban nhân dân huyện cần thông cáo báo chí về công tác tổ chức lễ hội năm 2023 để người dân, du khách được biết, ủng hộ và thực hiện nghiêm theo quy định; đồng thời công khai đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân và du khách trong quá trình diễn ra lễ hội, xử lý kịp thời không để xảy ra bức xúc trong dự luận.

Ủy ban nhân dân huyện đẩy mạnh tuyên truyền nét đẹp văn hóa và ý nghĩa biểu trưng của các thực hành lễ hội; kịp thời động viên khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho công tác quản lý tổ chức lễ hội; thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các nhiệm vụ được giao và phát hiện xử lý, chấn chỉnh những trường hợp vi phạm.

Đặc biệt, huyện cần chú trọng xây dựng, triển khai các phương án đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho người dân và du khách trẩy hội; tổ chức các phương án về trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Khắc phục nhiều bất cập ở những năm trước, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo huyện Mỹ Đức kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc biến tướng tín ngưỡng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đặc biệt, lực lượng chức năng không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định, để thực hiện nếp sống văn minh…

Đối với các lễ hội đền Hai Bà Trưng, đền Sóc, đền Cổ Loa, Ủy ban nhân dân thành phố giao ủy ban nhân dân các huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh chủ động ban hành kế hoạch, tổ chức lễ hội truyền thống xuân Quý Mão, thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân, du khách biết, ủng hộ và thực hiện nghiêm các quy định.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa ban hành kế hoạch kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố năm 2023, kéo dài từ ngày 26/1 đến 3/6 tại các lễ hội lớn, lễ hội vùng, lễ hội nổi tiếng, thu hút đông đảo người dân tham gia, nhằm tăng cường giám sát việc tổ chức và quản lý lễ hội, bảo đảm nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng lành mạnh của nhân dân.

Nội dung kiểm tra bao gồm: Công tác bảo vệ và xử lý các hành vi xâm hại hoặc gây nguy cơ ảnh hưởng tới các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định; kiểm tra việc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để tuyên truyền mê tín dị đoan; hoạt động kinh doanh, truyền bá văn hóa phẩm không được lưu hành, các đồ chơi mang tính bạo lực, nguy hiểm, cờ bạc trá hình; các hành vi xâm hại lấn chiếm di tích, xây dựng trái phép các công trình tín ngưỡng phá hoại cảnh quan môi trường trong khu vực lễ hội và di tích danh lam thắng cảnh; việc tiếp nhận, sắp đặt, bài trí các hiện vật, đồ thờ tự do tổ chức, cá nhân công đức tại các di tích trên địa bàn thành phố...

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng tiến hành kiểm tra hồ sơ pháp lý về việc tổ chức lễ hội theo quy định; công tác quy hoạch sắp xếp hàng quán, dịch vụ nơi trông giữ phương tiện giao thông; công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cháy, nổ, vệ sinh môi trường; công tác phòng, chống dịch trong các hoạt động di tích và lễ hội; việc thực hiện niêm yết công khai quy tắc ứng xử nơi công cộng tại di tích và lễ hội.