Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hà Nội tăng cường tập huấn, tuyên truyền pháp luật trong công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai

Thông qua các buổi tập huấn, tuyên truyền do Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội tổ chức đã giúp cán bộ, người dân nắm được những quy định mới về công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy cũng như các Nghị định có liên quan, để từ đó tham mưu cho Ban Chỉ đạo 138 cấp huyện, cấp xã các giải pháp triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu cai nghiện ma túy theo kế hoạch Thành phố Hà Nội giao.

Nhằm giúp cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở cấp huyện, cấp xã nắm bắt kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy, ngày 14/4/2022, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội  đã ban hành Kế hoạch số 1460/KH-SLĐTBXH về tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy năm 2022.

Trên cơ sở đó, ngay từ đầu năm nay, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH các huyện:  Đan Phượng, Mê Linh, Mỹ Đức, Thạch Thất và Phú Xuyên tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, tuyên truyền công tác cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma tuý cho 1.053 cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cấp huyện, cấp xã trên địa bàn.

Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội tập huấn, tuyên truyền pháp luật trong công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai.

Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội tập huấn, tuyên truyền pháp luật trong công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai.

Hội nghị đã phổ biến những nội dung mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020, công tác cai nghiện ma túy tự nguyện; trình tự, thủ tục lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; công tác quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ và các quy định liên quan đến công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, công tác xác định tình trạng nghiện ma túy theo Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Nghị định số 116/2021/NĐ-CP có nhiều điểm mới nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện như: quy trình cai nghiện ma túy quy định có 5 giai đoạn, kết hợp các biện pháp y tế, giáo dục, lao động, hỗ trợ xã hội, đồng thời quy định rõ việc tổ chức cai nghiện ma túy. Công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cần thực hiện bởi các đơn vị có đủ các điều kiện đảm bảo theo quy trình cai nghiện thống nhất theo hướng: Người nghiện ma túy tự nguyện đăng ký và tự nguyện cai nghiện; các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy phối hợp với gia đình, cộng đồng thực hiện việc hỗ trợ người nghiện ma túy trong suốt thời gian cai nghiện.

Đối với công tác cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện tự nguyện, Nghị định quy định chỉ cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở đảm bảo đủ điều kiện thực hiện toàn bộ quy trình cai nghiện và có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự để thực hiện quy trình cai nghiện. Đối với công tác cai nghiện bắt buộc, Nghị định qui định trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc, bám sát Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng minh bạch, đơn giản, rút gọn hồ sơ, trình tự thực hiện; làm rõ vai trò của từng cơ quan trong triển khai.

Riêng đối với người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi không áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà đây là một trong các biện pháp hỗ trợ nhằm giúp trẻ em cai nghiện, phục hồi về sức khỏe, hành vi để tiếp tục học tập, trở thành người có ích cho xã hội. Công tác quản lý sau cai nghiện có vai trò quan trọng trong việc duy trì kết quả cai nghiện ma túy nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và quy trách nhiệm cho gia đình, cộng đồng trong việc giúp đỡ người nghiện từ bỏ ma túy; chính sách, chế độ hỗ trợ của Nhà nước để họ từng bước tạo dựng sinh kế, hòa nhập xã hội.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tích cực trao đổi, thảo luận, trình bày những khó khăn, vướng mắc thực tế tại địa phương trong triển khai công tác lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc, công tác xác định tình trạng nghiện ma túy, công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và công tác quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú theo quy định mới của Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Song song với việc triển khai tập huấn tuyên truyền pháp luật về công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, các địa phương đã và đang tích cực, chủ động tổ chức triển khai tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở cấp xã.

Đồng chí Trần Ngọc Nghìn, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Mỹ Đức đánh giá cao hiệu quả công tác tuyên truyền do Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội tổ chức. Thông qua buổi tập huấn giúp các cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai trên địa bàn huyện tiếp cận và nắm rõ hơn những điểm mới của các văn bản pháp luật hiện hành để triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền về phòng chống ma túy cũng như làm tốt công tác quản lý đối tượng nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy đạt kết quả cao.