Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hà Nội: Tổ chức và quản lý tốt các lễ hội lớn

(Dân sinh) - Để chuẩn bị tổ chức và quản lý lễ hội năm 2020, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Bùi Thị Thu Hiền cho biết, Thành phố đã lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn; đặc biệt là xây dựng kế hoạch cụ thể về việc tổ chức một số lễ hội lớn tại địa phương như: Lễ hội chùa Hương, chùa Thầy, đền Sóc...

Xử lý nghiêm các hình thức mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình

Là một trong những lễ hội lớn diễn ra đầu năm, lễ hội đền Sóc năm 2020 diễn ra trong 3 ngày (từ 6-8 tháng Giêng năm Canh Tý). Để quản lý lễ hội đền Sóc, ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, lễ hội tiếp tục duy trì các nghi lễ truyền thống, bên cạnh đó tổ chức các nội dung thi đấu thể thao (vật, cờ tướng, bóng chuyền...), các trò chơi dân gian (đi cà kheo, thi nấu cơm, đi cầu thăng bằng, đập niêu...).

Mùa lễ hội năm nay, Ban tổ chức tiếp tục duy trì một số điểm trong công tác tổ chức đã phát huy hiệu quả trong những năm trước. Đó là không tổ chức lễ rước giò hoa tre và trầu cau xuống đền Hạ, đền Mẫu, bỏ tục tán lộc (các thôn làng có lễ vật riêng tại hai đền này). Thay vào đó, lễ vật được đưa vào đền Thường và tổ chức phát lộc cho du khách theo sự kiểm soát của ban tổ chức. Thời gian hành lễ cũng sẽ được đẩy lên sớm hơn là 6h30.

Hà Nội: Tổ chức và quản lý tốt các lễ hội lớn  - Ảnh 1.

Lễ hội Đền Sóc

Năm nay tại lễ hội đền Sóc, số lượng giò hoa tre sẽ được tăng thêm khoảng 200-300 bông, so với tổng số 1.000 bông của mùa lễ hội năm 2019, để đáp ứng nhu cầu xin lộc của nhân dân địa phương và du khách. Đặc biệt, thay vì chỉ dùng vầu như năm 2019, lộc giò hoa tre tại lễ hội đền Sóc 2020 cơ bản sẽ được làm bằng tre.

Bên cạnh đó, huyện Sóc Sơn tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, chống ùn tắc giao thông. Tuyên truyền để người dân, du khách tham gia lễ hội văn minh, nghiêm cấm và xử lý nghiêm các hình thức mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình... Theo ông Lê Hữu Mạnh, kế hoạch tổ chức lễ hội đền Sóc đã được huyện triển khai, các đơn vị được phân công tham gia phục vụ lễ hội đang có sự chuẩn bị tích cực.

Lễ hội kỷ cương- văn minh, đảm bảo an toàn cho du khách

Đối với công tác quản lý tổ chức lễ hội-du lịch chùa Hương năm 2020, Phó Chủ tịch huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương cho biết huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về du lịch và tổ chức lễ hội. Lễ hội chùa Hương năm 2020 sẽ có chủ đề "Lễ hội kỷ cương-Văn minh du lịch", đồng thời việc lãnh đạo, chỉ đạo lễ hội chùa Hương năm 2020 bảo đảm theo tiêu chí: "An toàn, văn minh, lịch sự đạt hiệu quả cao".

Để chuẩn bị cho lễ hội, ông Nguyễn Văn Hậu cho biết huyện Mỹ Đức đã thành lập 8 tiểu ban cho công tác tuyên truyền; công tác về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; công tác xã hội, y tế, bảo hiểm; tài chính; tiểu ban về quản lý di tích, thắng cảnh, vệ sinh môi trường; an ninh trật tự; điều hành và vận chuyển hành khách; điều hành cổng trạm, giải toả vi phạm hành lang giao thông; kiểm tra vé thắng cảnh...

Hà Nội: Tổ chức và quản lý tốt các lễ hội lớn  - Ảnh 2.

Chùa Hương sẵn sàng trước giờ khai hội

Huyện đã bổ sung, nâng cấp, chỉnh trang hạ tầng, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ, xử lý triệt để các vi phạm về trật tự an toàn xã hội, tổ chức phân luồng giao thông, chuẩn bị cho công tác vệ sinh công cộng... nhằm bảo đảm an toàn cho du khách đến lễ hội. Bố trí các lực lượng thường xuyên kiểm tra, bảo vệ, giữ gìn khu di tích, phát hiện ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm mọi hành vi xâm hại đến khu di tích. Ban quản lý khu di tích đã hướng dẫn cho nhân dân lắp đặt hàng quán đúng chỉ giới được quy định và sơ đồ quy hoạch đã được phê duyệt. Các cửa hàng kinh doanh lắp dựng biển quảng cáo giới thiệu cũng phải chấp hành nghiêm kích cỡ quy định.

Ông Hậu cho biết, ban quản lý cũng bố trí lực lượng chấn chỉnh hàng quán bảo đảm thông thoáng, không ảnh hưởng giao thông và cảnh quan di tích. Đặc biệt không để các hộ bán hàng lấn chiếm lòng đường từ khu vực ga cáp treo đến cổng động Hương Tích và lòng đường lối ra, không để tình trạng nướng thực phẩm gây khói ảnh hưởng cảnh quan, ô nhiễm môi trường không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Đối với giá vé thắng cảnh, năm nay giá dịch vụ không thay đổi vẫn giữ nguyên như năm trước (80 nghìn đồng/người với vé thắng cảnh cho toàn bộ khu di tích thắng cảnh Hương Sơn trong đó đã có bảo hiểm khách du lịch; vé xuồng, đò là 50 nghìn đồng cho cả 2 lượt). Bên cạnh đó không cho phép phương tiện xe công nông, xe lam, hoạt động trên các tuyến đường bộ; xuồng, đò có gắn máy động cơ không có giấy phép không được hoạt động trên các tuyến suối.