Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hà Nội từng bước kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh Covid-19

Số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn TP. Hà Nội trong kỳ cuối tháng 3 trở lại đây giảm mạnh, giảm khoảng 45% so với kỳ báo cáo trước. Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế Thành phố những tháng đầu năm có nhiều tín hiệu khởi sắc, tích cực, thể hiện sức bật của các ngành kinh tế trọng yếu đang dần phục hồi, phát triển sau ảnh hưởng của địch Covid-19.

Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, với sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của các cấp ủy đảng, các ngành, địa phương, đến thời điểm này, có thể đánh giá Thành phố đã bước qua đỉnh dịch Covid-19.  

Số ca mắc trong kỳ cuối tháng 3 trở lại đây giảm mạnh (giảm khoảng 45% so với kỳ báo cáo trước). Thành phố từng bước kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh; quan trọng đã thực hiện tốt các mục tiêu cốt lõi trong công tác phòng chống dịch; tỷ lệ ca chuyển nặng và tử vong giảm; đẩy mạnh bao phủ tiêm chủng vắc xin mũi 2, 3; tăng cường ứng dụng CNTT, giải quyết cơ bản TTHC cho người dân.

Công tác truyền thông nâng cao ý thức chấp hành quy định phòng dịch của người dân được chú trọng. Bắt đầu từ sáng ngày 6/4/2022, học sinh từ lớp 01 đến lớp 6 đã được đi học trực tiếp trở lại ở cả 30 quận, huyện, thị xã, trên cơ sở kiểm soát dịch và sự tự nguyện, đồng thuận của các bậc phụ huynh học sinh. 

Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế Thành phố những tháng đầu năm có nhiều tín hiệu khởi sắc, tích cực, thể hiện sức bật của các ngành kinh tế trọng yếu đang dần phục hồi, phát triển sau ảnh hưởng của địch Covid-19.

Sau khi cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, Thủ đô Hà Nội dần chuyển sang nhịp sống bình thường mới (Ảnh MH)

Sau khi cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, Thủ đô Hà Nội dần chuyển sang nhịp sống "bình thường mới" (Ảnh MH)

Tổng sản phẩm trên địa bàn Quý I tăng 5,83% - gấp 1,16 lần cả nước (5,03%), gấp 3,1 lần TP Hồ Chí Minh (1,88%), đúng với kịch bản tăng trưởng đề ra (từ 5,7-6,2%), trong đó: Dịch vụ tăng 6,15%, Công nghiệp - xây dựng tăng 5,61%; Nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,39%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,92%. Đây là mức tăng rất quan trọng với xu hướng phục hồi đã tăng trưởng ở nhiều ngành, lĩnh vực.

Đáng chú ý, các cân đối lớn được đảm bảo, thu đảm bảo chi, cụ thể: Tổng thu NSNN trên địa bàn thực hiện Quý I là 102.402 tỷ đồng, đạt 32,9% dự toán, tăng 19,6% so với cùng kỳ. Về giải ngân XDCB, tính đến hết ngày 31/3/2022, toàn Thành phố giải ngân được 4.111 tỷ đồng, đạt 8% kế hoạch (tăng 26,7% so với cùng kỳ). Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế quan trọng của Thành phố đều tăng như: Chỉ số sản xuất công nghiệp; Kim ngạch xuất, nhập khẩu; Tổng mức bản lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

Về nhiệm vụ trọng tâm tháng 4 và Quý II/2022, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong Quý I, thực hiện các nhiệm vụ đề ra từ đầu năm, đồng thời, bám sát diễn biến thị trường thế giới và xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine để dự báo tình hình và kịp thời có giải để dự báo tình hình và kịp thời có giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng 7-7,5%, đảm bảo cân đối thu - chi ngân sách và kiểm soát lạm phát dưới 4%. Các cấp, ngành, địa phương, đứng đầu là cấp trưởng các đơn vị cần quyết tâm, nỗ lực hơn, tập trung triển khai công việc một cách trọng tâm, trọng điểm, chọn việc và giải quyết dứt điểm các công việc có tác động lan tỏa ngay đến phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong điều hành chỉ đạo.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các ngành, các cấp tập trung bám sát triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, KT-XH quan trọng đặt ra với địa bàn Thủ đô; các quyết định, quy định mới của UBND Thành phố. Cần kiểm soát hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19; triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong dịp nghỉ lễ 30/4, 01/5.

Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ phục vụ tổ chức thành công SEA Games 31: từ khâu tổ chức, đảm bảo tốt nhất về điều kiện, cơ sở vật chất, nhà thi đấu đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.... 

Bên cạnh đó, tập trung phát triển các ngành kinh tế tiềm năng; thúc đẩy tăng trưởng các nhóm ngành quan trọng như: Dịch vụ (quý I tăng 6,15% - gấp 1,34 lần mức tăng của cả nước (4,58%); Công nghiệp - xây dựng tăng 5,61% - bằng 0,88 lần mức tăng của cả nước (6,38%).

Đẩy mạnh xuất nhập khẩu; chủ động có phương án triển khai kế hoạch đầu tư năm 2022 trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Tháo gỡ ngay các khó khăn cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm khơi thông nguồn lực, kích cầu đầu tư. 

Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết triệt để đơn thư KNTC tại cơ sở, tránh phát sinh thành “điểm nóng”, đoàn khiếu kiện đông người tập trung tại trụ sở các cơ quan TW và Thành phố, đặc biệt tại các kỳ cuộc quan trọng của TW và Thành phố.

Đảm bảo nguyên tắc mọi đơn thư, KNTC, kiến nghị, phản ánh phải được giải quyết đúng pháp luật ngay từ khi phát sinh, không cố tình kéo dài thời gian giải quyết, gây bức xúc dư luận, mất ổn định xã hội; coi kết quả này là tiêu chí đánh giá năng lực của người đứng đầu cơ quan, tổ chức...