Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hà Nội: Yêu cầu người dân tránh “tâm lý chủ quan” những cũng không “hoang mang, lo sợ cực đoan” khi phòng, chống dịch

Chiều 24-2, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Công điện số 02/CĐ-UBND về việc thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, biến thể SARS-CoV-2, đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19.

Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm Covid 19 cho người dân.

Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm Covid 19 cho người dân.

Để kiểm soát kịp thời, hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 và đảm bảo thực hiện "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị mỗi người dân tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và thành phố; thực hiện thông điệp "5K", hạn chế tụ tập đông người không cần thiết, thường xuyên theo dõi sức khỏe, trang bị kiến thức khi nhiễm Covid-19 và điều trị tại nhà, nhận biết các dấu hiệu khi bệnh chuyển nặng để liên hệ với các cơ sở y tế kịp thời hỗ trợ; tránh “tâm lý chủ quan” hoặc “hoang mang, lo sợ cực đoan không cần thiết”.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục quán triệt phân cấp từ thành phố đến cấp cơ sở với nguyên tắc “4 tại chỗ”; chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch gắn với trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp; rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch bệnh đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Các địa phương thường xuyên cập nhật và thông tin về dịch bệnh, yêu cầu, quy định trong công tác phòng, chống dịch theo quy định của Trung ương và thành phố (phát tờ rơi, loa truyền thanh, nhóm zalo, facebook,…). Đặc biệt, tuyên truyền đến người dân trên địa bàn nắm bắt các dấu hiệu nhận biết, quy trình, phương pháp điều trị tại nhà để chủ động, sẵn sàng các điều kiện cần thiết, tránh tâm lý hoang mang, lo lắng.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, UBND các quận, huyện, thị xã phân công lực lượng triển khai quyết liệt kế hoạch của UBND thành phố để quản lý nhóm nguy cơ (người bệnh nền có nguy cơ cao, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vắc xin) và tiếp tục rà soát, trẻ em trong độ tuổi 12-17 và nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường hiệu quả hoạt động của các trạm y tế và trạm y tế lưu động, Tổ hỗ trợ chăm sóc theo dõi F0 tại nhà, nhất là tại địa bàn có mật độ dân cư cao (đảm bảo nhân lực, cơ số thuốc, điều kiện vật chất, lực lượng y tế…), kịp thời chuyển tuyến điều trị theo hướng dẫn phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19 của ngành Y tế.

UBND thành phố cũng yêu cầu các địa phương củng cố và phát huy tối đa năng lực của Tổ hỗ trợ chăm sóc, theo dõi F0 tại nhà, Tổ Covid cộng đồng trong việc quản lý F0 tại nhà trên cơ sở các thông tin về xét nghiệm, các mức độ biểu hiện bệnh của người nhiễm; đảm bảo mọi người dân được tiếp cận nhanh nhất với hệ thống y tế bằng nhiều hình thức tiếp cận; thành lập các nhóm Zalo, cung cấp số điện thoại đường dây nóng, thường xuyên liên hệ, cập nhật, trao đổi tại các khu dân cư đảm bảo người dân được nhận được tư vấn nhanh nhất từ cán bộ y tế và lực lượng hỗ trợ; xác định nhanh các trường hợp F1 để tư vấn, hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế.

Đối với trẻ em, phụ nữ có thai đang được theo dõi, điều trị, cách ly tại nhà phải được theo dõi sát, kịp thời phát hiện các trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng để chuyển viện, chuyển tuyến kịp thời theo hướng dẫn phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19 của Sở Y tế về việc phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19.

UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp Sở Y tế tăng cường tập huấn, bổ sung lực lượng, hướng dẫn và ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, quản lý và chăm sóc, điều trị F0 tại nhà; rà soát khả năng đáp ứng, xây dựng phương án đáp ứng cao hơn đối với trường hợp điều trị tại tầng 2, 3; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện tuyến thành phố và Trung ương trong phân luồng, chuyển tuyến điều trị bệnh nhân nặng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thành phố.

Tiếp tục rà soát, tăng cường tuyên truyền, vận động, tổ chức tiêm vắc xin tại nhà cho các trường hợp chưa được tiêm, người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền, phụ nữ có thai, người không đi lại được, người yếu thế… Đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc tổ chức tiêm vắc xin mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, tiêm vét mũi thứ 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 17 tuổi; hoàn thành tốt chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân năm 2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” và “tiêm chủng vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước”.

Cục Quản lý thị trường thành phố, Công an thành phố, Cục Thuế thành phố phối hợp các sở, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai ngay việc kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở, cá nhân kinh doanh dược, sản phẩm, dịch vụ test Covid-19; xử lý nghiêm các vi phạm về giấy phép, việc trục lợi, tăng đột biến giá, kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, cũng như sức khỏe của cộng đồng, tránh gây bức xúc trong dư luận.