Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hà Tĩnh: Công bố "Vườn Di sản ASEAN" - Vườn Quốc gia Vũ Quang

(Dân sinh) - Sáng 21/11 Vườn Quốc gia Vũ Quang Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức lễ công bố Vườn Di sản ASEAN. Vườn Di sản ASEAN của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Hà Tĩnh: Công bố Vườn di sản ASIAN Vườn Quốc gia Vũ Quang - Ảnh 1.

Hồ Ngàn Trươi trong khu vực VQG Vũ Quang nhìn từ trên xuống

Vườn Quốc gia (VQG) Vũ Quang (Hà Tĩnh) nằm ở vị trí quan trọng trong hệ thống rừng của dãy Trường Sơn hùng vĩ, xen kẽ giữa VQG Pù Mát ở phía Bắc và VQG Phong Nha Kẻ Bàng ở phía Nam cùng với Khu bảo vệ Quốc gia Nakai-Nam Theun (Lào) phía Tây là khu vực bảo tồn lớn nhất với hệ sinh thái tự nhiên còn lại gần khu vực Bắc Đông Dương.

VQG Vũ Quang được thành lập ngày 30 tháng 7 năm 2002 theo QĐ số 102/2002/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, nằm trên địa phận hành chính 3 huyện Vũ Quang, Hương Khê và Hương Sơn với tổng diện tích được giao quản lý trên 57.000 ha, trong đó có tới 52.000 ha rừng đăc dụng, còn lại là rừng phòng hộ và Rừng sản xuất.

Hà Tĩnh: Công bố Vườn di sản ASIAN Vườn Quốc gia Vũ Quang - Ảnh 2.

Ông Đặng Ngọc Sơn, PCT UBND tỉnh Hà Tĩnh trao cờ "Đơn vị dẫn đầu phong trào TĐ" của tỉnh cho VQG Vũ Quang.

Với chức năng nhiệm vụ chính là bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng Bắc Trường Sơn, bảo tồn đa dạng sinh học đặc trưng của rừng tự nhiên thuộc dãy Trường Sơn, tiếp giáp với biên giới Việt Nam – Lào. VQG Vũ Quang có vai trò góp phần duy trì cân bằng sinh thái và gia tăng độ che phủ rừng, bảo đảm an ninh môi trường và sự phát triển bền vững về tự nhiên kinh tế của các tỉnh thuộc khu IV Việt Nam.

Ngoài ra, các giá trị của hệ sinh thái rừng phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tham quan học tập và du lịch sinh thái.

VQG Vũ Quang có một hệ động thực vật rất đa dạng và phong phú, với gần 1.800 loài thực vật bậc cao, 94 loài thú, 315 loài chim, 90 loài Bò sát ếch nhái, 88 loài cá, hơn 316 loài bướm, 118 loài kiến, 28 loài nhện và côn trùng khác.

Hà Tĩnh: Công bố Vườn di sản ASIAN Vườn Quốc gia Vũ Quang - Ảnh 3.

Hoa hậu trái đất Thái Thị Hoa trao 50 triệu đồng ủng hộ VQG Vũ Quang hoạt động bảo tồn các giá trị tự nhiên

Với sự quản lý chặt chẻ của cán bộ VQG Vũ Quang và sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân... nhiều động vật quý hiếm đã được đưa đến bàn giao thả trả lại môi trường tự nhiên như Khỉ, chồn, trăn, cu ly, cò mỏ thìa…

Trong số 902 loài động vật đã biết tại VQG Vũ Quang, đã có 54 loài thú, 39 loài chim, 23 loài bò sát ếch nhái và 1 loài cá là những động vật quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng theo sách đỏ Việt Nam (2007), Danh lục Đỏ IUCN (2016), Nghị định 32/2006/NĐ/CP và Công ước CITES.

Hà Tĩnh: Công bố Vườn di sản ASIAN Vườn Quốc gia Vũ Quang - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Danh Kỳ, GĐ VQG Vũ Quang giới thiệu khái quát VQG Vũ Quang

Năm 1992, VQG Vũ Quang đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học về bảo tồn trên thế giới do phát hiện được loài thú lớn mới chưa từng được mô tả trước đó, là loài Sao La. Năm 1993, tại đây lại phát hiện thêm một loài thú lớn mới khác là Mang lớn.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Cục trưởng, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ NN&PTNT chúc mừng tỉnh Hà Tĩnh và Vườn Quốc gia Vũ Quang được công nhận Vườn Di sản ASEAN. Sự kiện này sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về bảo tồn thiên nhiên. Nhất là hiện nay khi biến đổi khí hậu đang diễn biến phúc tạp. Sau khi được công nhận các cấp, các ngành, VQG Vũ Quang cần tiếp tục làm tốt công tác quản lý, đầu tư, phát huy tiềm năng đa dạng sinh học, du lịch sinh thái…

Không chỉ đa dạng về hệ sinh thái, VQG Vũ Quang còn là Căn cứ địa kháng chiến của nghĩa quân Phan Đình Phùng, nơi đây đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Vườn Quốc gia Vũ Quang còn có tiềm năng rất lớn về du lịch khi rừng gắn với Hồ thủy lợi Ngàn Trươi với dung tích chứa nước trên 700 triệu m3. Hồ có 30 hòn đảo, tạo nên một quần thể đẹp trên mặt nước có thể khai thác khi du lịch một cách hiệu quả.

Việc công nhận danh hiệu Vườn Di sản ASEAN, VQG Vũ Quang góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn các hệ sinh thái, văn hóa, lịch sử... Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học của người dân các nước ASEAN.