Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hà Tĩnh lên tiếng về lao động bất hợp pháp ở Anh và châu Âu

(Dân sinh) - Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh vừa lên tiếng về tình trạng lao động bất hợp pháp của địa phương này ở Anh và Châu Âu, đồng thời khuyến cáo người đi lao động "chui" về nguy hiểm họ phải đối mặt.

Theo Báo Lao Động: Đến thời điểm này, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 10 gia đình đã trình báo về việc mất liên lạc với con em mình ở Anh. Trong đó, huyện Can Lộc có 8 người (1 ở xã Thanh Lộc, 1 ở xã Vĩnh Lộc, 1 ở thị trấn Nghèn, 5 ở xã Thiên Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, 1 người ở phường Đậu Liêu, huyện Nghi Xuân 1 người ở xã Cương Gián).

Hà Tĩnh lên tiếng về lao động bất hợp pháp - Ảnh 1.

PV VOV làm việc với lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh.

Chiều ngày 28/10/2019, ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Lao động việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết: liên quan đến nghi vấn có công dân người Hà Tĩnh có thể là nạn nhân trong vụ phát hiện 39 thi thể trong xe container ở Anh, ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo ngành chức năng vào cuộc tiếp nhận thông tin từ các gia đình. Hiện Công an tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn tất việc lấy các mẫu phẩm gửi đi để xác định ADN nhằm đối chiếu với mẫu của các nạn nhân ở Anh.

Ông Đặng Văn Dũng, hiện toàn tỉnh Hà Tĩnh có 4.690 người làm việc ở Châu Âu, trong đó có 1.500 người ở Nga, 850 người ở Đức, 780 người ở Séc, 360 người ở Anh. Có nhiều con đường để đi làm việc, gồm: Đi theo hợp đồng cá nhân giữa người lao động với chủ sử dụng lao động của Anh và nhóm thứ hai là học sinh, sinh viên đi du học ở Anh, sau đó tốt nghiệp được tuyển dụng vào làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở y tế ở Anh. 2 nhóm đó là hợp pháp, nhóm thứ 3 đến Anh bằng con đường du lịch, thăm thân nhưng hết thời hạn visa thì ở lại bất hợp pháp để làm việc. Nhóm thứ 3 này thường đi qua các nước trung gian như Czech, Pháp rồi đến Anh, hay sang Nga, Ba Lan rồi đến Anh.

Đối với nhóm bất hợp pháp, sở không thống kê được đầy đủ vì họ không đi theo con đường chính thống qua ngành Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý, thời gian tới, bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngành sẽ cố gắng nắm được số lao động hợp pháp, bất hợp pháp, có giấy phép, không có giấy phép để tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh, cho các bộ, ngành để có các cơ chế, chính sách, biện pháp xử lý, bảo hộ công dân ở nước sở tại.

Hà Tĩnh lên tiếng về lao động bất hợp pháp - Ảnh 2.

Gia đình ông Thìn ở thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) đau buồn khi con gái là Phạm Thị Trà My mất tích ở Anh. Ảnh: Trần Tuấn

Ông Đặng Văn Dũng cảnh báo yêu cầu về tay nghề, trình độ ngoại ngữ của đất nước họ rất cao nên lao động của Việt Nam rất khó để đáp ứng được khi được tuyển dụng hợp pháp. "Sự việc phát hiện 39 thi thể trong xe container ở Anh là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai chấp nhận rủi ro khi đi lao động bất hợp pháp ở Anh", để hạn chế tình trạng lao động bất hợp pháp ở nước ngoài, cần có nhiều trung tâm đào tạo ngoại ngữ, đào tạo nghề chất lượng để người lao động được đào tạo bài bản, đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng cao của nước ngoài. Thêm nữa, chính quyền, ngành chức năng cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho lao động để họ có điều kiện tốt hơn khi tiếp cận với các hợp đồng xuất khẩu lao động hợp pháp.

Đại tá Đặng Hoài Sơn – Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh - cũng cho hay, Công an tỉnh đã vào cuộc xác minh sau khi một số gia đình trình báo con họ mất tích ở Anh. Được biết, Công an Hà Tĩnh còn làm rõ dấu hiệu tổ chức đưa người vượt biên.

Theo báo điện tử VOV: Vừa qua cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã xử lý nhiều công ty, văn phòng hoạt động trái phép trong lĩnh vực đưa người đi lao động nước ngoài. Điều này cho thấy tình trạng đưa người đi lao động trái phép trên địa bàn Hà Tĩnh đã và đang diễn biến phức tạp và rất khó quản lý. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Hà Tĩnh có trên 55.000 người đang làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng lao động và không có hợp đồng lao động. Quan điểm của Hà Tĩnh là xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân đưa người lao động trái phép ra nước ngoài và căn cứ vào các mức độ vi phạm sẽ xử lý theo hình sự hay các mức độ khác nhau, do cá nhân, tổ chức đó gây ra.