Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hà Tĩnh: Tăng cường công tác quản lý người tâm thần, người có biểu hiện “ngáo đá”

Thời gian gần đây, tình trạng tội phạm do đối tượng là người mắc bệnh tâm thần, đối tượng có biểu hiện “ngáo đá” gây ra trên địa bàn Hà Tĩnh ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều hành vi man rợ, nguy hiểm.

Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, chỉ tính từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xảy ra 28 vụ án do người mắc bệnh tâm thần, đối tượng “ngáo đá” gây án, làm 4 người chết, 17 người bị thương, thiệt hại tài sản gần 40 triệu đồng. Trong đó có 7 vụ giết người; 1 vụ hiếp dâm trẻ em; 10 vụ cố ý gây thương tích; 2 vụ huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; 2 vụ trộm cắp tài sản; 5 vụ gây rối trật tự công cộng…

Đăc biệt, thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ việc phức tạp, nghiêm trọng để lại nỗi đau mất mát cho người ở lại và sự hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân trên địa bàn.

Cụ thể: Ngày 25/10/2021, tại huyện Hương Sơn một cháu bé 8 tuổi bị giết hại với nhiều vết chém trên cơ thể. Kẻ gây án là Hà Trọng Quyết (SN 1993) là người có biểu hiện tâm thần rối loạn, đã từng có thời gian, bệnh án chữa trị về các chứng bệnh tâm thần tại bệnh viện.

Ngày 30/11/2021, Nguyễn Hải Long (SN 1990), trú tại phường Khương Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội là đối tượng có biểu hiện loạn thần “ngáo đá”, sau khi cướp xe ô tô tại Hà Nội, đối tượng đã điều khiển phương tiện qua địa bàn Hà Tĩnh với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng. Khi bị lực lượng Công an TP. Hà Tĩnh phát hiện, đối tượng đã bỏ chạy rồi trèo lên mái nhà dân, la hét, dùng gạch đe doạ tấn công lực lượng Công an cùng người dân trước khi bị khống chế, bắt giữ.

Đối tượng có biểu hiện ngáo đá trèo lên nóc nhà dùng gạch đá tấn công lực lượng chức năng

Đối tượng có biểu hiện ngáo đá trèo lên nóc nhà dùng gạch đá tấn công lực lượng chức năng

Gần đây, ngày 5/2 Lê Thị Hải (SN 1981), trú tại xã Hương Giang, huyện Hương Khê bị trầm cảm sau khi sinh đã dùng dao cắt cổ con ruột gây tử vong.

Hiện số người bị rối loạn tâm thần, biểu hiện “ngáo đá” tại Hà Tĩnh ngày càng gia tăng, trong lúc đo tỷ lệ người được điều trị tập trung tại các cơ sở y tế, trung tâm bảo trợ xã hội còn thấp; nhiều người bệnh tâm thần sống cùng gia đình, cộng đồng không được phát hiện kịp thời, chữa trị dứt điểm nên diễn biến bệnh nặng, không kiểm soát được hành vi có thể gây ra các vụ án hình sự có tính chất nghiêm trọng, để lại hệ lụy đau lòng cho toàn xã hội và tiềm ẩn các nguy cơ khó lường.

Kết quả rà soát bước đầu, hiện nay trên địa bàn Hà Tĩnh có 60 đối tượng “ngáo đá”, 253 người bệnh tâm thần có nguy cơ cao thực hiện hành vi xâm phạm trật tự xã hội.”, đây là mầm móng dễ phát sinh tội phạm, có nguy cơ gây án cao.

Tuy nhiên để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế mức thấp nhất xảy ra các vụ án, vụ việc nhất là các vụ trọng án do đối tượng bị bệnh tâm thần, đối tượng loạn thần “ngáo đá” gây ra, thì trách nhiệm đó không thuộc về riêng một cá nhân hay lực lượng nào mà cần sự chung tay của toàn xã hội.

Theo đó, đối với các gia đình có người thân mắc bệnh tâm thần: Các gia đình khi thấy người thân có dấu hiệu phát bệnh bệnh tâm thần hoặc đã bị bệnh và tái phát bệnh cần sớm đưa người bệnh đi khám và điều trị càng sớm người bệnh càng chóng ổn định và tránh được những hậu quả đáng tiếc.

Các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn cần được sự hỗ trợ giúp đỡ của cộng đồng; người bệnh sau khi ra viện cần được hướng dẫn điều trị và đưa đi tái khám đúng hẹn; thường xuyên được quan tâm, theo dõi hành vi, cử chỉ, biểu hiện của người bệnh kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường để ngăn chặn hành vi tiêu cực, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Người cai nghiện cấp cứu tại BV đa khoa Hà Tĩnh

Người cai nghiện cấp cứu tại BV đa khoa Hà Tĩnh

Đối với chính quyền các địa phương cần rà soát, nắm danh sách các trường hợp mắc bệnh tâm thần, người có biểu hiện “ngáo đá” tại địa phương, đưa hoặc đề xuất, hướng dẫn đưa người bệnh vào điều trị tại các cơ sở chữa bệnh. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn cho những người thường xuyên gần gũi, tiếp xúc với người bệnh kỹ năng quản lý, chăm sóc, phòng ngừa những tình huống nguy hiểm; quan tâm, giúp đỡ các hộ gia đình bệnh nhân khó khăn trong chữa bệnh, hòa nhập cộng đồng và hướng dẫn gia đình đưa bệnh nhân đến những địa phương lân cận có cơ sở điều trị để họ được điều trị đúng cách.

Đối với các cơ quan chức năng cần nêu cao tinh thần cùng toàn xã hội tham gia công tác quản lý, phòng ngừa đối tượng bị tâm thần, đối tượng loạn thần “ngáo đá”, tổ chức tuyên truyền sâu rộng về các hành vi, các nguy cơ có thể do các đối tượng tâm thần, ngáo đá gây ra để mọi người dân cùng biết và chủ động cảnh giác, phòng ngừa., đồng thời có sự phối hợp với gia đình người bệnh siết chặt quản lý,, có giải pháp cách ly đối tượng bị tâm thần một cách hợp lý, không để họ tiếp xúc với các vật dụng, các loại công cụ, vũ khí nguy hiểm, hạn chế thấp nhất điều kiện, khả năng gây án để tránh những hậu quả đau lòng vô cớ có thể xảy ra.

Hiện nay có rất nhiều người mắc bệnh tâm thần và biểu hiện “ngáo đá” chưa được quản lý thích hợp, tiềm ẩn mối hiểm hoả khôn lường cho toàn xã hội. Vì vậy  để ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra do người bệnh tâm thân, người có biểu hiện “ngáo đá” gây ra, cần sự chung tay vào cuộc của các sở, ban ngành địa phương và cộng đồng.