Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hải Phòng: Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho người bán dâm

(Dân sinh) - Giai đoạn 2016 - 2020, TP.Hải Phòng đã xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, trong đó lồng ghép với việc thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm tại địa phương như chương trình giảm nghèo, chương trình việc làm, phòng chống ma túy, HIV/AIDS, phòng chống tội phạm mua bán người.

Kết quả cho thấy, một số địa phương đã làm tốt công tác này như: Hội LHPN quận Ngô Quyền phối hợp với Phòng giao dịch NHCSXH quận hỗ trợ tín chấp với tổng số dư đến nay trên 56 tỷ đồng cho gần 2.500 hộ vay, vận động 3.146 hộ giúp 2.523 hộ khó khăn vay 3.721 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình, giúp 201 gia đình thoát nghèo, giới thiệu việc làm cho 712 người, giới thiệu học nghề 610 người.

Hải Phòng: Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho người bán dâm - Ảnh 1.

Tổ chức tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS cho 150 đoàn viên, thanh niên quận Lê Chân (TP Hải Phòng)

Năm 2016 và 2017, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng) xây dựng và triển khai thí điểm mô hình "Phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng kết hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa giảm tác hại về phòng, chống HIV/AIDS trong phòng, chống tệ nạn mại dâm" tại quận Hồng Bàng, huyện Kiến Thụy. Qua đó đã hỗ trợ, giúp đỡ chị em là người bán dâm được khám chữa bệnh, hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm hòa nhập cộng đồng.

Năm 2020, TP. Hải Phòng tiếp tục được ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện thí điểm các mô hình về phòng, chống mại dâm tại quận Đồ Sơn và huyện Thủy Nguyên. Hiện Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đang xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện mô hình theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH tại Quyết định số 1875/QĐ-LĐTBXH ngày 28/12/2018 về ban hành Khung định mức kinh tế - kỹ thuật hỗ trợ xây dựng thí điểm các mô hình hỗ trợ người bán dâm. Cùng với đó, Sở Y tế đã duy trì và thành lập nhiều mô hình ở cơ sở hoạt động phòng ngừa, hỗ trợ, chăm sóc người bị nhiễm HIV/AIDS và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, người sau cai nghiện, người điều trị thay thế bằng methadone và người bán dâm hoàn lương phát triển sinh kế ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.        

Báo cáo cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong 5 năm qua vẫn còn những khó khăn, đó là công tác quản lý, giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người mại dâm gặp nhiều khó khăn, như: Đa số người bán dâm hoạt động trên địa bàn là người ngoại tỉnh, nơi cư trú không ổn định, sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính thì di chuyển nơi cư trú, thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động dẫn tới khó khăn trong việc tiếp cận, hỗ trợ, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng. Khung định mức kinh tế - kỹ thuật hỗ trợ xây dựng thí điểm các mô hình hỗ trợ người bán dâm có định mức chưa phù hợp với tình hình thực tế: Kinh phí hỗ trợ học nghề còn thấp (2 triệu đồng/người/khóa học) chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề của người tham gia dẫn đến công tác giải quyết việc làm, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm hiệu quả còn thấp.

Hải Phòng: Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho người bán dâm - Ảnh 2.

Hỗ trợ phụ nữ mại dâm học nghề, ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

Từ thực tế trên, TP. Hải Phòng đã đưa ra các giải pháp để tổ chức, thực hiện cho giai đoạn 2021 - 2025, theo đó thành phố đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các vùng miền, giảm khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, miền núi, giảm luồng dân di cư từ các khu vực khó khăn về thành phố, góp phần phòng ngừa tệ nạn mại dâm. Tiếp tục xây dựng thí điểm các mô hình can thiệp giảm hại trong phòng, chống mại dâm, đánh giá việc thực hiện các mô hình, từ đó nhân rộng các mô hình hiệu quả, giúp đỡ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp về phòng, chống tệ nạn mại dâm nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn tiếp theo. Xây dựng Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025 để thống nhất quan điểm, nhận thức, biện pháp, giải pháp trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành. Bổ sung nguồn kinh phí và phân bổ ngay từ đầu năm đảm bảo cho các ngành chức năng thực hiện hiệu quả mục tiêu của Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025.