Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hải Phòng: Đẩy mạnh truyền thông phòng, chống mại dâm

Thời gian qua Hải Phòng đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của dân về đấu tranh, phòng, chống mại dâm giữ gìn trật tự xã hội trên địa bàn.

Cán bộ, hội viên Hội Nông dân quận Đồ Sơn tham dự hội nghị tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người năm 2022.

Cán bộ, hội viên Hội Nông dân quận Đồ Sơn tham dự hội nghị tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người năm 2022.

Nhằm góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân quận Đồ Sơn về phòng, chống mại dâm Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã tổ chức chương trình truyền thông “Khát vọng yêu thương tại phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, TP.Hải Phòng.

Tại chương trình, cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân quận đã được đối thoại với đại diện ngành lao động, thương binh và xã hội, Hội LHPN thành phố Hải Phòng về: Những hoạt động của ngành lao động, thương binh và xã hội trong việc hỗ trợ phụ nữ tái hòa nhập cộng đồng; hướng hỗ trợ của Hội LHPN thành phố Hải Phòng cho đối tượng phụ nữ tái hòa nhập cộng đồng, phụ nữ bán dâm trong thời gian tới; kinh nghiệm khi tham gia giúp đỡ, hỗ trợ những đối tượng phụ nữ hoàn lương, phụ nữ bán dâm; những chính sách của Nhà nước trong việc hạn chế bạo lực giới cho người bán dâm….

Cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân quận cũng đã được xem tiểu phẩm “Sắc màu tội lỗi” với nội dung về tệ nạn mại dâm và được trò chơi tương tác “Đuổi hình bắt chữ” để hiểu rõ hơn về mại dâm và cách phòng, chống.

Thông qua hình thức truyền thông tương tác, các cán bộ, hội viên, phụ nữ, nữ thanh niên sẽ được tìm hiểu sâu hơn về tệ nạn mại dâm để có kiến thức, kỹ năng phát hiện, đấu tranh và quan trọng nhất là phòng ngừa loại hình tệ nạn xã hội này. Từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho người dân, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm và giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội.

Thời gian qua, Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm. Theo đó, xác định mục tiêu phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn được tuyên truyền thường xuyên về phòng ngừa mại dâm bằng nhiều hình thức và được duy trì thường xuyên; 100% cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội được tập huấn nhằm nâng cao năng lực trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; xây dựng và triển khai các mô hình hỗ trợ can thiệp, giảm hại trong phòng, chống mại dâm nhằm bảo vệ quyền con người; phát hiện, đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tổ chức các hoạt động mại dâm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm.

Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020, công tác phòng ngừa, đấu tranh đẩy lùi tệ nạn mại dâm trên địa bàn TP.Hải Phòng đã được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, địa phương. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở LĐ-TB&XH TP.Hải Phòng đã  tổ chức 20 lớp tập huấn cho các thành viên Đội kiểm tra liên ngành 178 thành phố và các quận, huyện và cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp. Tổ chức 117 buổi tuyên truyền với trên 34.805 lượt người tham gia; cấp phát trên 5.000 tài liệu tập huấn và hàng vạn tờ gấp; phối hợp với các cơ quan báo chí thực hiện 50 chuyên trang, chuyên đề về phòng chống mại dâm, mua bán người; đăng tải 219 bài, 625 tin tổng hợp về các hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội đăng trên trang website của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thu hút 196.628 lượt người truy cập.

Thời gian qua, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan và các địa phương xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch về phòng, chống mại dâm năm 2022 và giai đoạn 2021- 2025. Theo đó, TP.Hải Phòng đã xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để tổ chức, thực hiện tốt công tác phòng, chống mại dâm. Trong đó, tập trung thực hiện hai nhóm giải pháp chính là: (1) Phòng ngừa, hỗ trợ và xử lý nghiêm, quyết liệt các hành vi tội phạm liên quan đến mại dâm. Nâng cao vai trò của cộng đồng, huy động và mở rộng sự tham gia của các tổ chức xã hội, chính quyền, các cấp cơ sở, mọi người dân. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống mại dâm trong tình hình hiện nay; (2) Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm phù hợp với các nhóm đối tượng; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng miền, giảm khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, quản lý người lao động di cư từ các khu vực khó khăn về thành phố, góp phần phòng ngừa tệ nạn mại dâm. Tiếp tục xây dựng thí điểm các mô hình can thiệp, giảm hại, giúp đỡ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng.