Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hải Phòng: Hỗ trợ kinh phí cho người cai nghiện ma túy tự nguyện

Theo Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng, công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn TP Hải Phòng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được UBND thành phố quan tâm về cơ chế, hỗ trợ kinh phí, nhất là về cai nghiện ma túy tự nguyện được hỗ trợ kinh phí với thời gian dài hơn và mức hỗ trợ lớn hơn, phù hợp với chủ trương đổi mới công tác cai nghiện của Chính phủ.

Hải Phòng: Hỗ trợ kinh phí cho người cai nghiện ma túy tự nguyện - Ảnh 1.

Cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân phát tờ rơi tuyên truyền Luật Phòng, chống mại dâm cho nhân dân.

Điều trị bằng Methadone tiếp tục được mở rộng

Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng cho biết, trong thời gian qua đã phối hợp với Công an thành phố và UBND các quận, huyện tham mưu UBND thành phố ban hành quyết định giao chỉ tiêu cho các quận, huyện đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc tại các Cơ sở cai nghiện. Công tác điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tiếp tục được mở rộng đã mang lại những kết quả thiết thực trong công tác giảm tác hại do ma túy gây ra, giảm chi phí cho ngân sách, người nghiện ổn định cuộc sống, tham gia lao động sản xuất, tìm kiếm việc làm, ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng đã giải quyết được một phần nhu cầu cai nghiện tự nguyện của đối tượng và gia đình người nghiện. Đặc biệt, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTB&XH) đã tích cực tham mưu cho Sở và UBND thành phố ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, quản lý công tác cai nghiện ma tuý trên địa bàn.Trong đó, hỗ trợ các xã, phường, thị trấn triển khai công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; ban hành Quyết định hỗ trợ kinh phí cho người cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy; thí điểm xã hội hóa điều trị thay thế bằng methadone (do Ngành LĐ-TB&XH quản lý) đã được áp dụng cho các cơ sở điều trị methadone của toàn thành phố, và được nhiều địa phương khác đến thăm quan, học tập kinh nghiệm.

Theo thống kê, tính đến tháng 6/2019, toàn TP Hải Phòng có 6.581 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó, 1.285 người đang quản lý tại các Cơ sở cai nghiện ma túy (chiếm 19,53%); 157 người đang cai nghiện tại gia đình, cộng đồng (chiếm 2,38%); 3.837 người điều trị thay thế bằng methadone tại 18 cơ sở (chiếm 58,30%). Riêng Ngành LĐ-TB&XH đang điều trị thay thế cho 1.009 người tại 6 cơ sở. Ngoài ra, thực tế tại cộng đồng còn nhiều người nghiện chưa được phát hiện, lập hồ sơ quản lý. Đa số người nghiện không có việc làm, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên không tự đóng góp kinh phí để cai nghiện. Tỷ lệ người nghiện ma túy tổng hợp có tiền án, tiền sự, nhiễm HIV/AIDS có chiều hướng gia tăng. Song song với việc đấu tranh, triệt phá tội phạm ma túy, công tác điều trị, cai nghiện trên địa bàn thành phố Hải Phòng luôn được đặc biệt chú trọng và quan tâm triển khai, chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, có chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nhất định vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác cai nghiện, theo Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng, đó là một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy, như: Công tác quản lý, vận động người nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện chưa được quan tâm thường xuyên; nhận thức của nhiều gia đình và bản thân người nghiện còn nhiều hạn chế… Bên cạnh đó, đối tượng sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa. Tình trạng mua bán lẻ và tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp tại các cơ sở karaoke, quán bar, vũ trường tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn còn nhiều tiềm ẩn, nhiều cơ sở núp bóng quán karaoke nhưng được đầu tư cơ sở vật chất để biến thành sàn nhảy trá hình, vũ trường thu nhỏ nhằm lôi kéo các đối tượng sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Cùng với đó, nhiều loại ma túy mới xuất hiện, số người nghiện ma túy tổng hợp có chiều hướng gia tăng, đáng chú ý tình trạng người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại chất ma túy ngày càng phổ biến, số người sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng. Việc sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần, gây rối loạn tâm thần (ngáo đá) dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật đã gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân.

Nâng cao nhận thức cho nhân dân trong công tác phòng, chống các TNXH

Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng cho biết, trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác phòng, chống các TNXH, Sở đã đề nghị Chi cục Phòng chống TNXH phối hợp với các sở, ngành liên quan, Phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với các nội dung phong phú, đa dạng về công tác phòng chống, TNXH phù hợp với mọi đối tượng nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân trong công tác phòng, chống các TNXH.


Hải Phòng: Hỗ trợ kinh phí cho người cai nghiện ma túy tự nguyện - Ảnh 3.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về phòng, chống tệ nạn xã hội cho cán bộ, hội viên, nông dân (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet).

Tiếp tục đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, thông qua và ban hành Nghị quyết quy định về hỗ trợ kinh phí cho người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các Cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên địa bàn thành phố. Đa dạng hóa hình thức và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, đẩy mạnh và mở rộng các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy; tăng cường và mở rộng các hoạt động dạy nghề tạo việc làm cho người sau cai nghiện, người bán dâm hoàn lương hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống TNXH tại các quận, huyện, xã phường, cơ sở cai nghiện ma túy nhằm tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống TNXH trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tiếp tục đa dạng hóa các hình thức điều trị, cai nghiện và xã hội hóa để phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội trong công tác điều trị, cai nghiện và dự phòng nghiện. Làm tốt công tác quản lý học viên trong các cơ sở, giữ vững an ninh trật tự, không để xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ. Bên cạnh đó, địa phương và gia đình giúp đỡ, tạo việc làm cho người sau cai. Đây không chỉ là giải pháp quan trọng mà còn là mục tiêu của công tác cai nghiện phục hồi và phòng, chống tái nghiện, để người nghiện không tái nghiện và ổn định cuộc sống hòa nhập cộng đồng.