Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hang động núi lửa Krông Nô được đề cử là công viên địa chất toàn cầu

(Dân sinh) - Hang động Krông Nô của tỉnh Đắc Nông là quần thể hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á, vừa được Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu đề cử là công viên địa chất toàn cầu.

Theo đó, hang động Krông Nô (Công viên địa chất Đắk Nông) của tỉnh Đắk Nông đã lọt vào 11 hồ sơ được Global Geoparks Network chấp nhận và trình lên UNESCO. Dự kiến UNESCO sẽ công bố kết quả vào tháng 4/2020. Trước công viên địa chất Đắk Nông, Việt Nam đã có 2 công viên địa chất toàn cầu được công nhận là Cao nguyên đá Đồng Văn (năm 2010) và Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng (năm 2018).

Nằm trong khu vực Rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp và Khu du lịch cấp quốc gia gồm hai thắng cảnh thác Đray Sáp và thác Gia Long thuộc huyện Krông Nô. Công viên địa chất Đắk Nông có diện tích khoảng 2.000 km2, nằm trên địa bàn 6 huyện, thị xã gồm: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa. Điểm nổi bật nhất trong Công viên địa chất này là hệ thống hang động núi lửa phân bố khu vực dọc sông Krông Nô được phát hiện từ năm 2007.

Hang động núi lửa Krông Nô được đề cử là công viên địa chất toàn cầu - Ảnh 1.

Hình ảnh hang động núi lửa Krông Nô – nguồn Internet

Hiện các nhà khoa học đã khảo sát chi tiết được 3 hang động núi lửa với các ký hiệu C7, C3, A1. Hang động C7 là hang động núi lửa dạng ống có chiều dài 1.066,5m, bên trong rộng hàng nghìn mét là hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á và đẹp hàng đầu châu Á. Trong hang đã phát hiện được nhiều cấu trúc đặc trưng cho quá trình phun trào như các ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt, các di tích thực vật được hình thành cách nay hàng triệu năm... Đặc biệt còn sót lại 3 tầng địa mạo cho thấy trong số dòng chảy dung nham tại đây, có một dòng chảy dung nham khác ở phía trên tác động. Một lớp bám trắng trên thành hang C7 chưa rõ kết quả của quá trình gì, song có nhà khoa học đã phỏng đoán đó có thể là một loại vi khuẩn...

Theo các nhà khoa học Nhật Bản, loại hang núi lửa khu vực Krông Nô thuộc loại hiếm trên thế giới với những dòng thạch nhũ dung nham. Những dấu vết của những phiến đá basalt nằm ngang hoặc cuộn xoắn trên tường hang thể hiện lượng dung nham phun trào núi lửa và hướng chảy của dòng dung nham. Sự có mặt của khuôn cây nham thạch ở phía trên hoặc bên trong hang đã chứng tỏ nơi này cách đây hàng triệu năm là một khu rừng. Khi núi lửa phun trào dòng dung nham và tiếp xúc với không khí, nguội dần và đông cứng đã để lại trên thành hang những vệt hoa văn tự nhiên rất đẹp. Các di vật khảo cổ vừa được phát hiện bao gồm đồ đá, trong đó có các công cụ đá hình đĩa, rìu ngắn và rìu ngắn mài lưỡi, rìu hình bầu dục và rìu hình bầu dục mài lưỡi, công cụ mảnh tước, phiến tước, hòn ghè, hòn kê, hòn mài, chày nghiền. Ngoài ra còn nhiều xương động vật, không loại trừ cả xương người tiền sử. Các di vật này không còn rắn chắc, dễ bị gãy vỡ vụn khi khô, phần rỗng của xương được lấp đầy bột sét ở thể xốp…

Hệ thống hang động núi lửa Krông Nô đã từng được Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài cũng như tính độc đáo. Các hang động còn ẩn chứa nhiều bí mật về sự thành tạo, các tổ hợp khoáng vật, đa dạng sinh học và di chỉ khảo cổ. Đặc biệt, trong các hang động núi lửa Krông Nô, các nhà khoa học đã phát hiện các dấu tích cư trú của các bộ lạc thời tiền sử cách đây khoảng 6000 – 7000 năm.

Không chỉ có giá trị về địa chất, trong khu vực Công viên địa chất Đắk Nông còn sở hữu những di sản địa mạo vô cùng quý giá như hồ và thác nước tự nhiên đẹp thơ mộng và hùng vĩ như: Hồ Ea Snô, Hồ Trúc, Hồ Tây, Thác Đ'ray Sáp, Thác Trinh Nữ…; cùng với đó là bề dày lịch sử văn hóa với những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể như: Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Sử thi Ót N'drong, cùng hệ thống các di tích, danh thắng cấp quốc gia, cấp tỉnh... Ngoài ra, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, Vườn Quốc gia Tà Đùng, Rừng đặc dụng cảnh quan Đ'ray Sáp và một phần phía nam Vườn Quốc gia Yók Đôn (Đắk Lắk) là nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học của khu vực Công viên địa chất Đắk Nông.

Dự kiến tháng 10/2019, UBND tỉnh Đắk Nông sẽ tổ chức Hội thảo kết nối tuyến, tour du lịch gắn với công viên địa chất Đắk Nông.