Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hàng hóa dồi dào, người dân không nên mua tích trữ

Mặc dù cơ quan chức năng đã khẳng định, các địa phương đã lên phương án chủ động chuẩn bị nhu yếu phẩm cần thiết để luôn đáp ứng đủ nhu cầu người dân và không phải tích trữ. Tuy nhiên, trước và ngay trong ngày đầu tiên lệnh người dân “hạn chế ra khỏi nhà” có hiệu lực, không ít người vẫn đổ xô đi mua hàng tích trữ khiến một số gian hàng tạm thời hết hàng.

Sáng 28/3, chị Nguyễn Thị Thanh (Sài Đồng) ra chợ từ 6 giờ sáng nhưng cũng chỉ kịp mua thịt bò và rau xanh. Khi sang đến hàng thịt lợn và trứng thì đã "trống trơn", chỉ còn vài miếng xương cục và thịt vụn. Chạy sang cửa hàng bán thịt Meat Deli thì chỉ còn xương cục và mỡ!

Hàng hóa dồi dào, người dân không nên mua tích trữ - Ảnh 1.

Các sạp bán thịt lợn đã "hết veo" từ sáng sớm.

Chị Thanh cho biết: "Bình thường công việc của tôi khá bận rộn nên tôi thường đi chợ mua thức ăn đủ cho cả tuần. Sáng hôm qua, 8 giờ tôi ra chợ thì nhiều loại thực phẩm đã hết. Rút kinh nghiệm, hôm nay tôi ra sớm hơn nhưng vẫn chưa mua đủ lượng thức ăn cho gia đình vì có rất nhiều người mua với số lượng lớn để tích trữ".

Chị Đoàn Minh Trang (tiểu thương tại chợ Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội) cho hay, mỗi buổi chợ, chị đều nhập 2 con lợn để bán lẻ như bình thường. Tuy nhiên, hai hôm nay, lượng người mua thịt nhiều hơn những ngày trước để tích trữ. "Đến thời điểm hiện tại, lợn tại các lò mổ vẫn bình thường nên tôi không bán tăng giá dù lượng người mua tăng đột biến", chị Trang cho biết.

Hàng hóa dồi dào, người dân không nên mua tích trữ - Ảnh 2.

Cửa hàng bán thịt Meat Deli thì chỉ còn xương cục và mỡ

Không chỉ hàng thịt, cá mà các mặt hàng như: Đồ khô, trứng, rau xanh, mì tôm … người dân cũng mua với số lượng lợn. Bà Dung (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Tôi mua vì mấy ngày tới không muốn phải đi chợ".

Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít người mua tích trữ vì lo sợ lệnh "hạn chế ra khỏi nhà" sẽ khiến hàng hóa khan hiếm. Ngày 27/3, tại một số siêu thị người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ. Đại diện các nhà cung ứng thực phẩm đã khẳng định, nhu yếu phẩm cần thiết để luôn đáp ứng đủ nhu cầu người dân. Tập đoàn Masan (quản lý chuỗi siêu thị VinMart, chuỗi cửa hàng VinMart+ và VinEco) cho hay, hệ thống VinMart, VinMart+ cung cấp đầy đủ các hàng hóa thiết yếu và nhu yếu phẩm (gạo, thịt, mỳ tôm, thực phẩm chế biến, hàng đông lạnh…) với giá cả bình ổn đến tay người tiêu dùng.

Hàng hóa dồi dào, người dân không nên mua tích trữ - Ảnh 3.

Hàng bán trứng chỉ còn ít quả trứng cút luộc sẵn.

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở này đã có phương án chuẩn bị nguồn hàng và bảo đảm cung ứng cho thị trường theo các kịch bản diễn biến của dịch bệnh. Trong đó, thành phố đã tính đến việc chuẩn bị lượng hàng hóa tăng thêm 30% - 50% so với nhu cầu bình thường của người dân trong một tháng. Cụ thể, gạo 46.485 tấn, trứng gia cầm 62 triệu quả, bột canh 356 tấn, rau củ 51.650 tấn; thủy hải sản (tươi, đông lạnh) 2.582,5 tấn; thực phẩm chế biến 2582,5 tấn; sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô…) 464.85 triệu gói.

Đối với khu vực bị cách ly, các phương án đã tính đến tình huống giả định khu vực bị cách ly khoảng 5.000 người trong thời gian 30 ngày. Trong đó định mức cho 1 người trong 30 ngày, gạo 18 kg; thịt lợn 1,35 kg; trứng gia cầm 15 quả; muối ăn, bột canh 0.15 kg; thủy hải sản đông lạnh 1,56 kg; thực phẩm chế biến 1,35 kg; sản phẩm chế biến từ ngũ cốc 60 gói. "Đến nay, lượng hàng hoá tại kho của các doanh nghiệp đảm bảo cung cấp cho thị trường trong vòng 60-90 ngày", bà Lan thông tin.

Cũng theo bà Lan, ngày 27/3, hiện tượng người dân đi mua đồ tích trữ lại diễn ra, số hàng hoá bán ra ở hệ thống siêu thị lớn tăng gấp đôi bình thường. Sở Công Thương đã đề nghị các quận, huyện tuyên truyền cho người dân biết các cửa hàng kinh doanh nhu yếu phẩm vẫn hoạt động bình thường và không tăng giá.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của thành phố chiều 27/3,Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nêu danh mục ngành hàng được hoạt động trong thời gian thủ đô đóng cửa dịch vụ không thiết yếu, để phòng tránh lây lan dịch bệnh. Theo đó, danh sách cơ sở kinh doanh được mở cửa, gồm: Siêu thị tổng hợp (trừ dịch vụ vui chơi, ăn uống tại chỗ); trung tâm thương mại (gồm siêu thị tổng hợp như trên, văn phòng cho thuê, bệnh viện); chợ dân sinh (gồm các gian hàng lương thực, thực phẩm, rau hoa quả, đồ khô); cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini (trừ dịch vụ ăn uống tại chỗ); các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa, quả, trái cây; chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm, thuốc chữa bệnh; dịch vụ khám chữa bệnh; dịch vụ ngân hàng; cửa hàng kinh doanh xăng dầu gas khí đốt.

Vì thế, người dân không nên hoang mang, lo lắng đổ xô mua thực phẩm tích trữ dẫn đến tình trạng hết hàng tạm thời tại một số chợ và siêu thị.