Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hàng trăm xe nông sản vẫn ùn ở cửa khẩu

Số nông sản nằm chờ thông quan tại các cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn vẫn còn hơn 500 xe dù đã giảm mạnh so với vài ngày trước.

Vnexpress đưa tin, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) tồn 338 xe nông sản, chủ yếu là thanh long, mít, ớt và nhãn. Một phần số này là linh kiện điện tử xuất khẩu. Còn tại cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn) tồn 10 xe chở lạc, da bò... Số xe chở nông sản đang chờ thông quan tại cửa khẩu Chi Ma là 4.

Ngược lại, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn diễn ra tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Kim Thành II (Lào Cai), nhưng tiến độ thông quan rất chậm. Ngày 17/2, 171 xe nông sản, linh kiện điện tử... được xuất đi từ cửa khẩu Hữu Nghị và nhập 62 xe chở linh kiện điện tử, nông sản. Còn tại cửa khẩu Kim Thành II, có 239 xe làm thủ tục thông quan trong ngày 17/2, trong đó xuất khẩu 56 xe thanh long. Ở đây vẫn còn khoảng 200 xe trái cây tươi.

Hàng trăm xe nông sản vẫn ùn ở cửa khẩu - Ảnh 1.

Xe chở hàng thông quan tại cửa khẩu Kim Thành II (Lào Cai). Ảnh: Giang Huy

Sau thông tin một số cửa khẩu phụ Tân Thanh, Cốc Nam (Lạng Sơn), lối mở Km3+4 phường Hải Yên (Móng Cái, Quảng Ninh) được mở lại, lượng xe nông sản, trái cây vận chuyển lên các cửa khẩu ngày càng nhiều. Tuy nhiên, do công tác phòng dịch Covid-19 nên việc thông quan tại các cửa khẩu rất chậm.

Theo PLO, trước tình hình đó, để giảm thiểu tối đa những nguy cơ, tác động tiêu cực, đồng thời để có cơ sở điều hành kịp thời, hiệu quả hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây qua các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu biên giới đường bộ, đường sắt trên cả nước, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh: phối hợp, chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn, đặc biệt là Sở NN&PTNT, Sở Công Thương Khẩn trương rà soát, thống kê cụ thể, chi tiết sản lượng từng loại hàng nông sản, trái cây đã, đang và sắp thu hoạch; tiêu chuẩn chất lượng, năng lực cạnh tranh của các loại hàng hóa nêu trên để đánh giá khả năng và xây dựng kế hoạch chuyển hướng tiêu thụ.

Đánh giá lại tình hình và chủ động kế hoạch điều chỉnh sản xuất phù hợp với diễn biến dịch bệnh COVID-19. Đối với các loại nông sản, trái cây đang dựa mạnh vào xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới (như thanh long và dưa hấu), có biện pháp khuyến nghị người nông dân điều tiết sản lượng, ít nhất là không sử dụng các cách thức để gia tăng sản lượng vào thời điểm này.

Đối với những diện tích chưa gieo trồng, xem xét chuyển sang các loại nông sản khác dễ tiêu thụ hơn như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị thúc đẩy thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch bệnh COVID-19 ngày 3/2/2020.

Tiếp tục phối hợp chủ động, tích cực và chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc khuyến nghị các DN và các tổ chức cá nhân liên quan theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới, hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng.

Liên hệ với đối tác phía Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi tem dán truy xuất nguồn gốc, bảo đảm ATTP.

Hiện Bộ Công Thương đang chỉ đạo các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực tại các địa phương ưu tiên cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi cho các lô hàng sẵn sàng chuyển sang hình thức xuất khẩu chính ngạch.

Chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản; triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, quy cách đóng gói...