Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hành trình 60 năm “ươm mầm” tri thức

(Dân sinh) - Được thành lập từ năm 1962, trải qua chặng đường 60 năm, Trường Trung học Cơ sở (THCS) Song Phương đã ươm trồng cho quê hương, đất nước những hạt giống tâm hồn, trí tuệ nâng cánh ước mơ cho nhiều thế hệ học sinh, tự tin vững bước vào đời. Với quyết tâm, nỗ lực của cô và trò Trường THCS Song Phương đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trong sự nghiệp “trồng người”.

Nơi chấp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh.

Nơi chấp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh.

Trưởng thành trong gian khó

Được thành lập từ năm 1962, tiền thần của Trường Trung học cơ sở (THCS) Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội là Trường Cấp 2 Song Phương. Ra đời trong hoàn cảnh khó khăn, những ngày đầu thành lập, trường chỉ có 2 phòng học đặt trong khuôn viên của đình làng Phương Bảng, xã Song Phương. Thầy hiệu trưởng và văn phòng nhà trường ở luôn trong đình làng, còn 2 thầy khác phải ở nhờ nhà dân. Khi số lượng học sinh tăng lên, địa điểm của trường được mở rộng thêm xuống làng Phương Viên. Nhưng thời điểm đó các lớp học nằm tản mát ở nhiều khu lẻ khác nhau trong xã như: Lớp học ở Chùa Giữa, lớp học ở Nhà thờ đạo, ở Cầu Ông Tranh, khu Trạm xá cũ.. 

Những năm đầu 1960, đất nước đang trải qua những  tháng năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, Song Phương trở thành nơi sơ tán của nhiều gia đình cán bộ từ nội thành Hà Nội. Thời điểm đó, nhà trường đã đón nhận con em các gia đình sơ tán về Song Phương học tập. Ngoài ra, ngôi trường còn có học sinh các xã lân cận như: Tiền Yên, Sơn Đồng, Lại Yên đến học.

Sau này khi hòa bình lập lại, trường được xây dựng trên khu đất mới đầu làng với diện tích hơn 7.000m2 với  ba dãy nhà hình chữ U với hai dãy nhà cấp 4 lợp ngói hai bên, dãy chính giữa xây hai tầng với 8 phòng học. Trường cấp 2 Song Phương ngày ấy được coi là một trong những ngôi trường khang trang hiện đại nhất của huyện Hoài Đức. Vì vậy số học sinh, số lớp của trường cũng tăng theo.  Đến những năm 80 của thế kỷ trước, với tên gọi Trường THCS Song Phương trương học có 4 khối học, tổng số từ 9 đến 10 lớp với hơn 300 học sinh. Đáp ứng nhu cầu dạy học với số học sinh, số lớp tăng dần, diện tích khuôn viên trường được mở rộng lên đến 10.725 m2. Năm 2000 trường được xây dựng lại với ba dãy nhà 3 tầng với tổng số trên 20 phòng học và các phòng chức năng, phòng bộ môn, khu hiệu bộ. Khu nhà thể chất được xây dựng độc lập, được trang bị bể bơi thông minh và các dụng cụ phục vụ hoạt động giáo dục thể chất, thể dục thể thao. Đến nay, trường  đã có 22 phòng học, 7 phòng bộ môn, phòng thiết bị, phòng thư viện, 10 phòng hành chính và phòng phục vụ học tập, nhà thể chất riêng biệt. Các trang thiết bị phục cho hoạt động dạy học cơ bản được trang bị đầy đủ, hiện đại đáp ứng nhu cầu của việc dạy và học đảm bảo tiêu chí của trường chuẩn Quốc gia.  Ngoài ra, trường còn tích cực xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp như quan tâm trồng cây trong khuôn viên nhà trường, chăm sóc cây thường xuyên, tổ chức cho học sinh lao động vệ sinh nhằm giáo dục ý thức giữ gìn trường lớp sạch, đẹp, ý thức bảo vệ của công.

Các thầy, cô trong tập thể nhà trường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy.

Các thầy, cô trong tập thể nhà trường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy.

Từ chỗ chỉ có 3 thầy cô, thầy hiệu trưởng cũng tham gia giảng dạy bình thường như các thầy cô giáo khác, đội ngũ giáo viên của nhà trường cũng phát triển theo các thời kỳ. Ở trong bất cứ giai đoạn, hoàn cảnh nào tập thể các thầy cô giáo vẫn luôn tận tâm, tận tụy, say mê nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người. Trong thời kỳ bao cấp với đồng lương ít ỏi, giáo viên phải làm thêm nhiều nghề nhưng các thầy cô vẫn bám trường, bám lớp. Phong trào thi đua Dạy tốt- học tốt được thực hiện hiệu quả. Những năm trong kháng chiến chống Mỹ, các cuộc thi giáo viên giỏi chưa được tổ chức. Nhưng học sinh yêu và say môn toán luôn nhắc đến thầy Nguyễn Chí Vinh – Giáo viên khóa đầu tiên, học sinh giỏi văn luôn khâm phục thầy Nguyễn Xuân Dục – hiệu trưởng đầu tiên. Đến những năm 70, nhiều thế hệ học sinh còn nhớ thầy Khôi- giáo viên dạy giỏi Toán, cô Chính- giáo viên dạy giỏi môn Sinh. Tiếp nối truyền thống đó những năm 80 các cuộc thi giáo viên giỏi được tổ chức từ cấp trường. Qua đó tuyển chọn các đồng chí giáo viên có thành tích cao nhất dự thi cấp Huyện, cấp tỉnh, Thành phố. Nhiều thầy cô đạt danh hiệu giáo viên giỏi như cô Doãn Thị Hợp giáo viên giỏi môn Địa, cô Xuân Thị Thoa giáo viên giỏi môn Hóa, thầy Nguyễn Bỉnh Hợp giáo viên giỏi môn Toán, cô Bùi Xuân Hà giáo viên giỏi môn Sinh.

Đánh giá về chặng đường 60 năm của trường, bà Bà Lưu Thị Mậu – Hiệu trưởng Trường THCS Song Phương chia sẻ: Những ngày đầu thành lập trường dù trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, tập thể các thầy cô giáo đã nêu cao quyết tâm xây dựng trường trở thành trưởng điểm với khẩu hiệu đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa: “Trường học: Kỷ luật như quân đội- Sạch như bệnh viện và đẹp như công viên”. Chính từ  những quyết tâm của những người đặt nền móng đầu tiên ấy đến những năm 1980, Trường THCS Song Phương được nhắc đến như một điểm sáng về giáo dục của thủ đô Hà Nội. Ngày ấy với mô hình VAC, trường trở thành là điểm tham quan học tập của nhiều đơn vị trong ngành giáo dục…

“Kế thừa những nét son lịch sử của nhà trường và để tiếp tục giữ vững truyền thống Dạy tốt - học tốt, chất lượng đội ngũ nhà giáo có vai trò mang tính quyết định để xây dựng thương hiệu và phát triển nhà trường. 100% cán bộ, viên chức nhà trường đạt chuẩn cấp học và trên chuẩn. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cán bộ giáo viên nhà trường còn tích cực học tập, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phương tiện hiện đại vào quản lý và giảng dạy. Hiện nay, 100% giáo viên có ứng dụng công nghệ hiện đại vào giảng dạy”.

Cô Hiệu trưởng Lưu Thị Mậu và các học sinh.

Cô Hiệu trưởng Lưu Thị Mậu và các học sinh.

Nối tiếp truyền thống ngôi trường 60 năm tuổi

Ngay từ khóa đầu tiên, trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, thầy cô và học sinh vừa học tập vừa lao động tăng gia nhưng kết quả học tập cũng thật đáng mừng. Những cái tên như Bình Thị Hợi, Nguyễn Văn Thi luôn được các thầy cô nhắc đến như một niềm tự hào. Sau khi có trường lớp khang trang, chất lượng văn hóa càng được chú trọng, nâng cao. Nhiều học sinh nghèo vươn lên học giỏi khẳng định chất lượng dạy học của trường như: Dương Văn Long, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Đắc Hưng, Nguyễn Công Bạo học sinh giỏi môn Toán cấp Huyện, , Nguyễn Thị Thủy, Lê Huy Hoàng học sinh giỏi những năm 80. Từ mái trường này, nhiều thế hệ học sinh ưu tú đã trưởng thành, đem trí tuệ, tài năng và nhiệt huyết góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt từ những năm 1996, chất lượng mũi nhọn của Trường THCS Song Phương được xếp vào tốp đầu của Huyện cùng các trường có tên tuổi. Với quyết tâm khẳng định thương hiệu, thế mạnh của nhà trường tập thể nhà trường đã tìm ra những biện pháp hữu hiệu để tạo bước chuyển vượt bậc về chất lượng văn hóa, bồi dưỡng học sinh giỏi. Hàng năm trường đều có học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp Huyện, cấp Tỉnh ở các bộ môn Tiếng Anh, Hóa Học. Đó là các em Nguyễn Thị Lan Anh khóa K27 giải nhất môn Tiếng Anh cấp Tỉnh Hà Tây, em Cao Thị Huyền khóa K28 giải nhì môn Tiếng Anh TP Hà Nội, em Nguyễn Thị Thảo K27 giải nhì môn Sinh học Thành phố Hà Nội em Nguyễn Thị Thập khóa K28 giải nhì Thành Phố môn Hóa Học, em Phạm Duy Cường khóa K29 giải ba Thành phố môn Hóa Học, em Phan Thị Thanh Thư khóa K55 giải ba Thành phố môn KHTN, em Nguyễn Thị Phương Anh K56 giải ba Thành phố môn KHTN…

Ngoài ra, nhiều học sinh trong trường đã đạt được các thành tích cao trong hoạt động thể dục thể thao. Trong đó nổi bật học sinh Nguyễn Văn Tân đạt HCV môn Taekwondo cấp Quốc gia năm học 2016-2017.

Để có được những thành tích đó, theo bà Lưu Thị Mậu: “Một trong những phương pháp mà nhà trường áp dụng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là duy trì thường xuyên, có hiệu quả các đợt sinh hoạt chuyên đề gắn lý luận với thực nghiệm, phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm thu hút đông đảo giáo viên tham gia, bám sát định hướng chuyển đổi dạy học từ truyền thụ tri thức một chiều sang phát huy phẩm chất và năng lực người học trong quản lý, giảng dạy và công tác chủ nhiệm”.

Cô Lưu Thị Mậu - Hiệu trưởng Trường THCS Song Phương.

Cô Lưu Thị Mậu - Hiệu trưởng Trường THCS Song Phương.

Viết tiếp chặng đường của ngôi trường dày truyền thống, các thế hệ thầy và trò nhà trường đang cùng nhau kiến tạo tương lai trong thời đại công nghệ số, phát huy mọi nguồn lực thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục khẳng định vị trí nhà trường qua đội ngũ nhà giáo vững chuyên môn và nêu cao trọng trách nghề dạy học. Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, một nhà trường thông minh đang được xây dựng; tư duy số từng bước định hình trong cán bộ, giáo viên nhà trường. Nhà trường đang có biện pháp cụ thể để thực hiện hiệu quả phương châm lấy người học làm trung tâm, lấy chất lượng giáo dục làm cốt lõi, lấy xu thế của thời đại để định hướng tiếp cận.

Với truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, nhiều năm nhà trường đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến cấp huyện, tỉnh, thành phố. THCS Song Phương đã 2 lần được công nhận đạt Chuẩn Quốc gia. Trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập, trường THCS Song Phương vinh dự đón nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.