Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hậu Covid-19: Nhu cầu tuyển dụng lao động tăng

(Dân sinh) - Ngay khi hết thời gian giãn cách xã hội, nhiều lao động đã tìm đến các khu công nghiệp, chế xuất trên địa bàn thành phố Hà Nội để tìm kiếm công việc mới. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng tăng lên để phục vụ cho quá trình phục hồi sản xuất sau đại dịch…

Vào thời điểm này, trên các trang web tuyển dụng  nhan nhản các thông tin tuyển dụng tại các khu công nghiệp với rất nhiều vị trí như: Công nhân may, kỹ sư cơ khí, phiên dịch, nhân viên kho, nhân viên bảo vệ, cán bộ quản lý sản xuất, kế toán trưởng, nhân viên kinh doanh, nhân viên xuất nhập khẩu…

Tương tự, bảng tin tuyển dụng tại các khu công nghiệp dán rất nhiều thông báo của các công ty. Trên bảng tin tuyển dụng trước các khu công nghiệp có hàng chục tờ thông báo mô tả chi tiết công việc, điều kiện ứng tuyển, mức lương, số lượng tuyển dụng và các quyền lợi được hưởng khi vào làm việc tại công ty. Với mức lương từ 6 - 15 triệu đồng/tháng tùy vị trí công việc đã thu hút rất nhiều lao động đến đây tìm cho mình công việc phù hợp. Đang cân nhắc vị trí bảo vệ cho một công ty tại Khu công nghiệp Thăng Long, anh Nguyễn Thanh Tùng (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, trước anh là lao động tự do, lúc thì làm phụ hồ, khi chạy xe ôm. Đợt dịch vừa qua, anh chủ yếu nằm nhà, mấy hôm nay đang tìm hiểu thông tin tuyển dung. "Công việc bảo vệ tuy đỡ vất vả hơn công việc  từng làm trước đây, tuy nhiên tôi cũng đang cân nhắc về mức lương, 6 triệu đồng/tháng cũng chỉ đủ ăn. Tôi đang tìm hiểu thêm một vài vị trí khác nào rồi mới quyết định".

Nguyễn Thanh Mai, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân đã 2 năm. Trước Mai từng làm nhân viên kinh doanh cho một công ty tư nhân ở Hà Nội, nhưng phải nghỉ làm do công ty giảm nhân sự trong đợt dịch. Lần này đi tìm việc làm mới, Mai đã cầm sẵn trên tay bộ hồ sơ xin việc để nếu tìm được công ty nào phù hợp sẽ nộp hồ sơ ngay.

Hậu Covid-19: Nhu cầu tuyển dụng lao động tăng - Ảnh 1.

Người lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại Sàn giao dịch việc làm

Hiện, thị trường lao động đã bắt đầu cho thấy những tín hiệu lạc quan. Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã có gần 1.000 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với hơn 10.000 chỉ tiêu, tập trung ở các lĩnh vực, ngành, nghề bị tác động sâu bởi dịch Covid-19. Đối tượng tuyển dụng tập trung chủ yếu trong các ngành nghề: Kinh doanh, cơ khí điện, điện tử, kế toán, văn phòng, nhân viên kỹ thuật… Chỉ cần một chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh, người lao động có thể tham gia phỏng vấn trực tuyến với nhà tuyển dụng. Thay vì chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ, ứng viên chỉ cần chụp hồ sơ gửi đến hòm thư điện tử của nhà tuyển dụng. Có hàng nghìn đầu việc đang chờ đợi ứng viên.

Trước đó, theo kết quả khảo sát của VietnamWorks trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và sau giãn cách xã hội, khi được hỏi về tình hình doanh nghiệp, có đến gần 60% doanh nghiệp thể hiện đủ năng lực nhất định để duy trì và tiếp tục phát triển kinh doanh. Khi được hỏi về thời gian hoạt động tuyển dụng trở lại, có đến 39% doanh nghiệp thể hiện sự lạc quan sẽ sớm khôi phục hoạt động tuyển dụng, trong đó 14% cho biết họ khôi phục hoạt động tuyển dụng ngay lập tức; 8% chọn nửa tháng sau, 17% chọn phương án khôi phục 1 tháng sau.

Còn theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, từ tháng 5/2020 trở đi, trung bình mỗi tháng cả nước có từ 70.000 -80.000 lao động bị mất việc làm quay trở lại thị trường lao động. Như vậy, thị trường việc làm được kỳ vọng sẽ khởi sắc trong tương lai gần.

Cũng nhằm ứng phó với dịch bệnh và giúp người lao động ở nhà vẫn có thể tìm được việc làm, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đang nghiên cứu để nâng cấp sàn giao dịch việc làm hiện có thành trang web Việc làm quốc gia. Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, trước mắt trang web sẽ nghiên cứu để góp phần giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong điều kiện tránh tụ tập đến các trung tâm dịch vụ việc làm để nộp hồ sơ; đồng thời tạo cơ hội tìm việc làm cho người lao động trong lúc đang bị giãn việc, ngừng việc... do dịch bệnh Covid-19. Trang web sẽ kết nối: Sàn giao dịch việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn ngành nghề, trường nghề… để có thể thích ứng với bối cảnh hiện nay.