Quay lại Dân trí
Dân Sinh

"Hãy ở nhà để sớm được ra đường…"

(Dân sinh) - TP. Hồ Chí Minh đã bước vào tháng thứ tư thực hiện giãn cách xã hội theo các cấp độ khác nhau - trong đó đã hơn một tháng giãn cách theo Chỉ thị 16 và 16++.

Thế nhưng, trong những ngày gần đây, số ca nhiễm trong cộng đồng vẫn tăng đột biết. Cụ thể ngày 17/8 số ca nhiễm trong cộng đồng chiếm tới khoảng 75% tổng số ca nhiễm mới trong ngày. Điều này khiến nhiều người lo khả năng kiểm soát dịch theo kế hoạch của thành phố sẽ không đạt được mục tiêu đề ra. Dù hiện nay, tổng số ca nhiễm mới trong ngày đang có chiều hướng "đi ngang".

Ngay từ đầu đợt giãn cách, khi về thị sát tình hình tại TP.Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, đã từng bày tỏ sự lo ngại về tình trạng người dân bất chấp quy định giãn cách, vẫn đổ ra đường quá đông. Phó Thủ tướng cũng cảnh báo về tình trạng "chặt ngoài, lỏng trong" tại các khu cách ly, phong tỏa, có thể dẫn tới tình trạng bùng phát dịch vượt ngoài tầm kiểm soát của chính quyền.

"Hãy ở nhà để sớm được ra đường…" - Ảnh 1.

Thực tế những ngày gần đây, báo chí đã liên tục phản ảnh về tình trạng người dân đổ ra đường ngày một đông. Số liệu thống kê của các cơ quan chức năng thành phố cho thấy trung bình những ngày gần đây, mỗi ngày đều có trên 1 triệu lượt người đi ra đường, với khoảng 120.000 lượt phương tiện. Số người ra đường đông đến nỗi các chốt kiểm soát buộc phải "xả trạm" để tránh tình trạng người dân tụ tập quá đông tại một điểm. Vì nhiều chốt "xả trạm" nên nhiều người dân càng có cơ hội "tung tăng" trên đường phố mà không sợ bị kiểm tra hay xử phạt.

Liệu có mối liên hệ nào giữa số người ra đường "đông đột biến" với số ca lây nhiễm trong cộng đồng "tăng đột biến" trong những ngày gần đây? Giới chuyên môn cho rằng, mối liên hệ giữa hai số liệu này là điều chắc chắn - thậm chí là "rất mật thiết"! Nếu tình trạng người dân đi lại nhiều như vậy - và không loại trừ có thể còn nhiều hơn trong những ngày tới, nếu như chính quyền thành phố không có các biện pháp siết chặt, thì số ca lây nhiễm cộng đồng sẽ tiếp tục tăng và tình hình dịch trên địa bàn thành phố sẽ càng thêm phức tạp.

Việc giãn cách xã hội một cách nghiêm ngặt như thời gian qua chắc chắn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố. Càng kéo dài thời gian giãn cách thì thiệt hại kinh tế càng nặng nề - ảnh hưởng sâu sắc đến từng gia đình, từng người dân. Nhưng không còn cách nào khác, buộc phải giãn cách để kiểm soát dịch. Do đó, chính quyền cần phải kiểm soát việc giãn cách một cách nghiêm ngặt nhất, và chỉ có vậy thì mới mong rút ngắn thời gian giãn cách khi đã kiểm soát được dịch.

Thành phố đã nhiều lần kêu gọi ý thức của mỗi công dân, nhưng có lẽ chừng đó là chưa đủ. Thời gian giãn cách khá dài vừa qua đã chứng minh điều này. Nếu không có các biện pháp nghiêm khắc, cứng rắn và quyết liệt hơn để kiểm soát xã hội, nhằm hạn chế tối đa số người ra đường, thì công lao của biết bao nhân viên y tế tuyến đầu đã chịu hy sinh gian khổ, những người dân đã nghiêm túc chấp hành giãn cách, chấp nhận chịu thiệt thòi, gian khổ thời gian qua sẽ "đổ sông đổ biển" vì sự thiếu ý thức của một số người.

"Ai ở đây xin hãy ở yên đấy"; "Hãy ở nhà để sớm được ra đường"… là thông điệp mà lúc này mỗi người dân cần thực hiện thật nghiêm túc, để chúng ta sớm chiến thắng dịch bệnh, trở lại cuộc sống bình mới.