Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hiến kế để phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, lao động có thu nhập thấp

(Dân sinh) - Tại Hội thảo “Đột phá nhà ở xã hội”, các chuyên gia đã hiến kế sát sườn, mang tính đột phá trong phát triển nhà ở xã hội nhằm đạt được mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 của Bộ Xây dựng; mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ và chương trình phát triển nhà ở xã hội của TP.HCM.

Sáng ngày 28/3, Báo Người Lao động tổ chức Hội thảo “Đột phá nhà ở xã hội” cho công nhân, lao động, người có thu nhập thấp. 

Tham dự Hội thảo qua trực tuyến có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan; tham dự trực tiếp có lãnh đạo TP.HCM, sở, ngành chuyên môn và một số tỉnh, TP có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất cùng nhiều chuyên gia đô thị, kinh tế, doanh nghiệp BĐS, công nhân… 

Hiện nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp là rất lớn và cấp bách. Số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2022 cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân ở khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 2,6 triệu căn hộ. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 1,3 triệu căn. 

Các chuyên gia đã hiến kế sát sườn, mang tính đột phá trong phát triển nhà ở xã hội nhằm đạt được mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 của Bộ Xây dựng.

Các chuyên gia đã hiến kế sát sườn, mang tính đột phá trong phát triển nhà ở xã hội nhằm đạt được mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 của Bộ Xây dựng.

Việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đến nay đạt kết quả rất thấp so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, hiện mới đạt 5,2/12,5 triệu m2, tương đương khoảng 41,6% của "Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/11/2011.

Dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn gặp không ít khó khăn; đặc biệt nhiều doanh nghiệp có tâm huyết thực hiện dự án nhà ở xã hội nhưng gặp trở ngại về thủ tục, chính sách, nguồn vốn, quỹ đất... 

Liên quan đến nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" (đáp ứng khoảng 85% nhu cầu). 

Tại TP. HCM, chương trình phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội là công việc lớn của thành phố, đến năm 2030, TP. HCM dự kiến phát triển khoảng 6,58 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 93.000 căn nhà, trong đó giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ phát triển 2,5 triệu m2 sàn (khoảng 35.000 căn nhà). 

Tại tỉnh Bình Dương, trong giai đoạn năm 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu phát triển thêm gần 1,9 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 42.000 căn hộ; giai đoạn năm 2026 - 2030, tỉnh dự kiến phát triển thêm 2,1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương 42.000 căn hộ. 

Người lao động ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương mong muốn tiếp cận được nhà ở xã hội để an cư lạc nghiệp.

Người lao động ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương mong muốn tiếp cận được nhà ở xã hội để an cư lạc nghiệp.

Tỉnh Đồng Nai cũng sẽ xây dựng khoảng 10.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025, với 37 dự án về nhà ở cho công nhân, người lao động với trên 175 ha đất sạch trên địa bàn tỉnh. Nhà ở xã hội là nhu cầu của người dân, người lao động, là yêu cầu của bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, cần sớm có giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua để quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội đạt mục tiêu đề ra, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội. 

Tại Hội thảo các chuyên gia đang hiến kế sát sườn, mang tính đột phá trong phát triển nhà ở xã hội nhằm đạt được mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 của Bộ Xây dựng; mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ và chương trình phát triển nhà ở xã hội của TP.HCM.

Báo Dân sinh sẽ tiếp tục thông tin về Hội thảo.