Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hiện thực hóa mục tiêu đưa Vùng Trung du và miền núi phía Bắc phát triển nhanh, bền vững

Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ gồm 14 tỉnh là Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW, với mục tiêu phát triển Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; là hình mẫu phát triển xanh của cả nước...

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị triển khai Nghị quyết số 11. Ảnh: Dương Giang.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị triển khai Nghị quyết số 11. Ảnh: Dương Giang.

Sáng nay (27/8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về phát triển Vùng Trung du và miền núi phía Bắc và xúc tiến đầu tư Vùng.

Đây là hội nghị “ba trong một”, được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà còn xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.

Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Vùng Trung du miền núi phía Bắc, mở ra “vận hội mới” cho vùng đất “phên giậu” của Tổ quốc.

Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ gồm 14 tỉnh là Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình.

Đây chính là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của quốc gia. Song, dù được quan tâm phát triển, với một trong những chính sách quan trọng là Nghị quyết số 37-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng, song cho đến nay, Vùng Trung du và miền núi phía Bắc vẫn là “vùng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo của cả nước.

Trước thực trạng này và trong bối cảnh, tình hình mới, với các yêu cầu phát triển mới, việc phát triển kinh tế - xã hội Vùng Trung du, miền núi Bắc bộ cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, bằng một tư duy mới, tầm nhìn phát triển mới.

Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW, với mục tiêu phát triển Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; là hình mẫu phát triển xanh của cả nước...

Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết này và ngày hôm nay, Hội nghị triển khai chương trình hành động này được tổ chức.

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị đã đặt ra lộ trình cụ thể với những tư duy mới, cách làm mới, nhiệm vụ và giải pháp mới mang tính đồng bộ, thể hiện rõ quyết tâm, phấn đấu cao nhất để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra.

Theo đó, phấn đấu từ nay đến năm 2030, tăng trưởng GRDP vùng đạt 8-9%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 140 triệu đồng/người/năm, gấp khoảng hơn 2 lần so với hiện nay; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%, gần gấp đôi so với hiện tại và có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và mỗi tỉnh có ít nhất 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới...

Để đạt được những mục tiêu này và tiếp tục tạo sự bứt phá của Vùng trong giai đoạn tiếp theo, Chương trình hành động của Chính phủ xác định nhiệm vụ ưu tiên cao nhất là gỡ các nút thắt về phát triển của Vùng.

Trước hết là hoàn thiện thể chế phát triển và liên kết vùng. Trong đó, sớm hoàn thành lập và phê duyệt Quy hoạch phát triển Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hình thành một số cực tăng trưởng và trung tâm kinh tế của Vùng như Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn; phát triển các hành lang kinh tế gắn với Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng; hình thành chuỗi liên kết khu vực động lực của Vùng tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ gắn với Vùng Thủ đô…

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế điều phối Vùng và kết nối phát triển Vùng, đi cùng với thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối Vùng một cách đồng bộ, hiệu quả.