Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hiệu quả của mô hình Tổ tự quản giảm nghèo

(Dân sinh) - Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Trung ương, tỉnh về chính sách giảm nghèo, Ủy ban nhân dân huyện huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đã kịp thời cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch thực hiện. Huyện đã nhiều cách làm sáng tạo trong công tác giảm nghèo.

Theo đó, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, nhất là chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động… Quan tâm đầu tư xây dựng 85 dự án phát triển sản xuất và 6 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững; hỗ trợ trực tiếp cho 77.018 lượt học sinh. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp 178 công trình công cộng phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội, tổng kinh phí trên 123 tỷ đồng; tạo điều kiện cho trên 50 ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, tổng số tiền trên 278 tỷ đồng.

Hiệu quả của mô hình Tổ tự quản giảm nghèo  - Ảnh 1.

Mô hình trồng ớt của nông dân Khmer xã Tập Sơn đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ Khmer nghèo.

Vận động hộ có nhiều đất cho hộ nghèo mượn đất sản xuất; định kỳ hằng năm phân công đảng viên kèm cặp, hỗ trợ hộ thoát nghèo, thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo; chủ động thành lập 65 tổ tự quản giảm nghèo. Thành lập các tổ công tác, các đoàn kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo trên địa bàn xã, thị trấn. Định kỳ sơ, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm và biểu dương, khen thưởng hộ thoát nghèo và những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện chính sách giảm nghèo tại địa phương.

Qua 5 năm thực hiện các chính sách giảm nghèo, góp phần chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, đặc biệt là đồng bào Khmer nghèo trên địa bàn huyện, tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với công tác giảm nghèo. Đại bộ phận hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận được các chính sách và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước; tích cực tham gia phát triển sản xuất, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, thông qua mô hình Tổ tự quản giảm nghèo bền vững và được sự hỗ trợ từ các dự án, chương trình cho các thành viên, Tổ tự quản đã xây dựng tình đoàn kết tương thân, tương ái, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, hỗ trợ tạo môi trường gắn kết các hộ gia đình trong sản xuất và sinh hoạt cộng đồng, từng bước nhân rộng mô hình có hiệu quả cho nhiều ấp, khóm khác góp phần thực hiện công tác giảm nghèo. Từ đó, nhiều hộ đã tập trung xây dựng các mô hình kinh tế cho thu nhập khá trở lên, có ý chí quyết tâm, chăm chỉ làm ăn, hợp tác để vươn lên thoát nghèo bền vững. Cụ thể giai đoạn 2016 - 2020, đã kéo giảm được 6.266 hộ nghèo (bình quân giảm 3,12% hộ nghèo/năm); trong đó có 4.213 hộ nghèo Khmer (tương đương 7%); thúc đẩy kinh tế huyện nhà tăng trưởng bình quân 15,2%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 45,33 triệu đồng/người/năm (tăng 2,03 lần so năm 2015).

Từ những kết quả đạt được cho thấy hiệu quả thiết thực của mô hình Tổ tự quản giảm nghèo trong công tác giảm nghèo ở địa phương, hiệu quả đạt được của mô hình không chỉ tác động tích cực đối với công tác giảm nghèo, mà còn có tác động tích cực về xã hội, nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia các phong trào, cuộc vận động của địa phương, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng gia đình văn hóa, nông thôn mới, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn về an ninh trật tự; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số khó khăn, hạn chế như: Triển khai thực hiện một số chính sách an sinh xã hội còn chậm. Thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững hiệu quả chưa cao, một số ít hộ nghèo, hộ cận nghèo còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và sự giúp đỡ của cộng đồng. Chưa kết hợp giữa đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động sau khi học nghề. Công tác phối hợp tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách từng lúc thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Chưa huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội, để đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.