Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hỗ trợ người bán dâm hoàn lương

(Dân sinh) - Tệ nạn mại dâm trên địa bàn TP.HCM hoạt động dưới nhiều hình thức biến tướng, trá hình, thủ đoạn ngày càng tinh vi và diễn biến khá phức tạp, nhất là tình trạng mại chăn dắt, bảo kê để móc nối giao dịch mua bán dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Vì vậy, TP.HCM đã chủ động triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm kéo giảm tình trạng này. Ngoài việc tuyên truyền, giáo dục về phòng chống mại dâm thì việc hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng cũng là một trong những giải pháp được thực hiệu quả trong thời gian qua.

Nâng cao nhận thức về giá trị đạo đức của người phụ nữ

Theo ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội bằng nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp với từng nhóm, từng đối tượng được duy trì và tổ chức thực hiện thường xuyên tại địa bàn các quận, huyện, phường, xã, thị trấn. Đồng thời gắn với các biện pháp xử lý hành chính để răn đe giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả không để phát sinh tệ nạn mại dâm nơi công cộng đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức và ý thức trách nhiệm của toàn thể cán bộ, công chức làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và người dân.

Theo ghi nhận của phòng viên, hiện tệ nạn mại dâm trên địa bàn Thành phố hoạt động dưới nhiều hình thức biến tướng, trá hình, thủ đoạn ngày càng tinh vi và diễn biến khá phức tạp. Nhất là tình trạng mại dâm nơi công cộng có xu hướng giảm về bề nổi nhưng chuyển sang hoạt động bằng các hình thức trung gian thông qua đối tượng chăn dắt, bảo kê để móc nối giao dịch mua bán dâm; hoạt động mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: khách sạn, nhà nghỉ, phòng cho thuê; phổ biến nhất là các hành vi khiêu dâm, kích dục tại các quán cà phê, tiệm hớt tóc gội đầu, cơ sở chăm sóc sức khỏe (xông hơi, xoa bóp, y học cổ truyền day ấn huyệt, cạo gió giác hơi) hoặc một số nhà hàng, karaoke, vũ trường tổ chức ăn chơi thác loạn…

Hỗ trợ người bán dâm hoàn lương - Ảnh 1.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tệ nạn mại dâm trên địa bàn Thành phố hoạt động dưới nhiều hình thức biến tướng, trá hình, thủ đoạn ngày càng tinh vi và diễn biến khá phức tạp (ảnh: minh họa)

Hiện tượng chào hàng, môi giới mại dâm theo phương thức "gái gọi, gái bao" theo tour du lịch và trên các phương tiện thông tin điện thoại di động, internet phần lớn người bán dâm là giới người mẫu, sinh viên hiện nay đã và đang diễn ra ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Theo thống kê của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM, từ ngày 15/12/2019 đến ngày 15/6/2020, các Đoàn Kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội từ Thành phố đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn tổ chức kiểm tra 2.197 lượt cơ sở, phát hiện 970 lượt cơ sở vi phạm hành chính về lĩnh vực văn hóa, thông tin và phòng, chống tệ nạn xã hội trong đó 22 lượt cơ sở vi phạm liên quan đến mại dâm và khiêu dâm, kích dục, chiếm tỷ lệ 2,2%, kết quả đã xử phạt 970 lượt cơ sở vi phạm pháp luật với tổng số tiền phạt là 5.695.500.000 đồng.

 Viện kiểm sát nhân dân Thành phố khởi tố 14 vụ với 19 đối tượng, đề nghị truy tố 11 vụ với 16 đối tượng liên quan đến hoạt động mại dâm. Tòa án nhân dân Thành phố tiến hành xét xử 7 vụ với 8 đối tượng.

Điểm sáng về các mô hình hỗ trợ người bán dâm

Bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và xử phạt thì giải pháp giúp người bán dâm hoàn lương cũng là yếu tố quan trọng nhằm kéo giảm tình trạng mại dâm trên địa bàn thành phố.

Giai đoạn 2016 - 2020, TP đã xây dựng thí điểm 3 mô hình tư vấn, can thiệp, giảm hại nhằm hỗ trợ phụ nữ có nhu cầu hoàn lương, Thành phố có 1.366 lượt người bán dâm và người có nguy cơ cao tham gia mô hình; tư vấn, trợ giúp pháp lý cho 1.008 lượt người; hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho 45.122 lượt người; hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm cho 560 người; hỗ trợ vốn kinh doanh mua bán nhỏ cho 520 lượt người và thực hiện chuyển gửi đến các dịch vụ hỗ trợ can thiệp dự phòng và tổ chức 35 lớp tập huấn nâng cao năng lực về hỗ trợ giảm hại, hòa nhập cộng đồng cho 1.741 lượt cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội với tổng kinh phí thực hiện là 2.018.000.000 đồng.

Nổi bật trong thời gian qua là mô hình "Hỗ trợ, can thiệp giảm hại đối với nữ lao động đang làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm" được triển khai tại tuyến đường Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1. Kết quả đã thành lập được Câu lạc bộ "Sen Hồng" gồm 6 thành viên nòng cốt; thành lập Điểm Tư vấn của mô hình tại số 109 đường Phạm Ngũ Lão, quận 1. Khảo sát trực tiếp và phỏng vấn cá nhân bằng bảng hỏi để đánh giá tình hình hoạt động và nhu cầu của 350 nữ lao động đang làm việc tại 59 cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí.

Hỗ trợ người bán dâm hoàn lương - Ảnh 3.

Tiểu phẩm “Sắc màu cuộc sống” tuyên truyền về mại dâm của Hội LHPN phường 13, quận 6, TP.HCM

Mô hình "Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm" được triển khai tại phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân.

Qua đó, chọn 10 chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ; 100 người lao động đang làm việc tại cơ sở để khảo sát bằng bảng hỏi và thảo luận phỏng vấn sâu. Tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho nhóm đồng đẳng, cộng tác viên tiếp cận cộng đồng (40 người) để trang bị kiến thức, kỹ năng tiếp cận truyền thông về quyền, nghĩa vụ của người lao động và chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ để hỗ trợ người lao động nữ khi bị xâm phạm các quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Định kỳ hàng tháng tổ chức 5 buổi sinh hoạt nhóm với 100 lượt người lao động tham dự, thông qua đó truyền thông những quy định pháp luật về phòng chống mại dâm, Luật Lao động, phòng chống HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Mô hình "Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với người bán dâm trên địa bàn thành phố" đã tiếp cận, vận động được trên 680 lượt chị em tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ; chuyển gửi xét nghiệm HIV và điều trị HIV/AIDS, các bệnh lây qua đường tình dục và khám phụ khoa…cho 500 người bán dâm tại cộng đồng và lao động nữ đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn Thành phố.

Các chương trình, mô hình, hoạt động can thiệp giảm hại đã góp phần ngăn ngừa tệ nạn mại dâm đối với nhóm người bán dâm hoàn lương, đồng thời phòng ngừa tệ nạn mại dâm với nhóm người có nguy cơ cao và cung cấp thêm kiến thức về chăm sóc sức khỏe, phòng chống bạo lực giới.