Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hỗ trợ người giúp việc tiếp cận các dịch vụ tài chính toàn diện

(Dân sinh) - Sự ra mắt phiên bản nâng cấp của ứng dụng điện thoại Jupviec.Vn sẽ giúp hàng ngàn người giúp việc gia đình có khả năng quản lý tài chính cá nhân thuận tiện hơn.

Phiên bản ứng dụng tích hợp được ra mắt ngày 1/12 tại Hà Nội là kết quả của sự hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và công ty JupViec.vn trong khuôn khổ Sáng kiến hỗ trợ tiếp cận dịch vụ tài chính và việc làm cho phụ nữ di cư (U- ME Capital) tại Việt Nam. Sáng kiến U-ME Capital được tài trợ bởi DFAT thông qua Chương trình Đối tác Doanh nghiệp (BPP).

Theo Bộ LĐ-TB&XH, đến hết năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng  350.000 người lao động làm giúp việc gia đình. Trong khi đó, tiền chi cho người giúp việc và các dịch vụ gia đình khác dự kiến sẽ tăng lên hơn 1 tỷ USD.

Hỗ trợ người giúp việc tiếp cận với các dịch vụ tài chính toàn diện - Ảnh 1.

Ông Phan Hồng Minh, Giám đốc Jupviec.vn giới thiệu về ứng dụng Jupviec.Vn

Báo cáo của Dolidiance, "Giải phóng tiềm năng tăng trưởng của fintech tại Việt Nam", thị trường fintech của Việt Nam cán mốc 4,4 tỷ USD vào năm 2017 và sẽ tăng lên mức 7,8 tỷ USD vào năm 2020. Một số yếu tố tác động đáng kể bao gồm tỷ lệ người sử dụng internet smartphone lớn tại các đô thị, các loại ví điện tử ngày càng phổ biến, thu nhập và tiêu dùng ngày một gia tăng và thương mại điện tử phát triển. Với mục tiêu xây dựng xã hội không tiền mặt, Chính phủ Việt Nam đặt kế hoạch đến năm 2020 có 70% dân số sử dụng tài khoản ngân hàng.

Tại buổi ra mắt phiên bản nâng cấp của ứng dụng điện thoại Jupviec.Vn, ông Phan Hồng Minh, Giám đốc Jupviec.vn cho biết, phiên bản nâng cấp này sẽ mang đến cho hơn 2.000 nữ lao động trong hệ thống của Jupviec.vn các dịch vụ tài chính đa dạng như tiết kiệm vi mô, ứng trước thu nhập, nạp tiền điện thoại, thanh toán hoá đơn và các tiện ích khác. Các tính năng này được cung cấp thông qua sự tích hợp giữa ứng dụng Jupviec.vn với ngân hàng số LienViet24h.

Người làm hài lòng, thuận tiện, có lương ngay nên yên tâm. Hay Tết nhất, họ sớm có tiền để gửi về quê ăn Tết. "Sự phát triển của hệ sinh thái số tại Việt Nam với ngày càng nhiều sản phẩm và dịch vụ điện tử có thể dễ dàng tiếp cận dành cho cả khách hàng lẫn người lao động luôn là nguồn cảm hứng lớn cho chúng tôi. Làm việc trực tiếp với hàng ngàn nữ lao động giúp việc gia đình trong nhiều năm qua, chúng tôi thấu hiểu những gánh nặng tài chính của họ trong việc đảm bảo cuộc sống và hỗ trợ gia đình. Nhân viên chúng tôi nhận lương theo hàng tháng nhưng chi phí sinh hoạt lại tính theo từng ngày, việc tối ưu hoá tính năng ứng trước thu nhập thông qua ứng dụng của nhân viên giúp chúng tôi thực hiện việc này một cách hiệu quả, hỗ trợ nhân viên phần nào giảm bớt áp lực tài chính, nhờ đó nâng cao hiệu suất làm việc và sự gắn bó của họ với công ty", ông Minh nói.

Ứng dụng tích hợp này giúp cho những người lao động trong khu vực phi chính thức - phân khúc khách hàng hiện còn gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng chính thống có thể sử dụng các sản phẩm tài chính được thiết kế riêng biệt, phù hợp với nhu cầu của họ. Với tính năng gửi tiết kiệm chỉ với 100.000 đồng/ngày, hay ứng trước thu nhập, lao động phổ thông với thu nhập thấp như lao động giúp việc gia đình có thể linh hoạt hơn trong việc kiểm soát tình hình tài chính của mình.

Theo một số người giúp việc, việc nhận tiền trực tiếp vào tài khoản khá tiết kiệm thời gian, thuận tiện, không bị nhầm lẫn, thậm chí còn có thể giúp cho mình tiết kiệm hàng tháng từ 100.000 đồng.

Theo ông Andrew Barnes, Phó Đại sứ Úc tại Việt Nam, Chính phủ Úc sẽ đầu tư khoảng 350.000 USD, chương trình này không hỗ trợ hoàn toàn, các đối tác đều cùng đóng góp nguồn lực tài chính và con người vào dự án này. Cả dự án sẽ khoảng 1 triệu USD.

"Để khuyến khích người lao động tham gia vào dự án, chúng tôi đều trích ngân sách để khuyến khích các lao động tham gia bằng các phần thưởng. Đối với lao động phổ thông có độ tuổi cao thì đã có phòng chăm sóc nhân viên và các công cụ như Zalo chat để được tư vấn. Trong các buổi gặp mặt trực tiếp sẽ được hỗ trợ để trải nghiệm chức năng mới. Các chức năng được cân đối để tiếp cận các đối tượng cao tuổi", ông Andrew Barnes nhấn mạnh.

Tất cả nhân viên giúp việc tham gia vào Jupviec.Vn phải tham gia app này. Khi có app thì sẽ được lĩnh lương 2 lần/tháng, tiến tới lĩnh lương theo tuần và 3 ngày hoặc 1 ngày lĩnh lương 1 lần. Không giống như app grab, các chị phải đăng ký trước theo tuần, theo tháng để được nhận việc. Khách hàng cũng có thể trực tiếp đặt việc lao động theo người lao động. 

Bên cạnh ứng dụng tích hợp này, JupViec.vn, LienVietPostBank và tổ chức CARE cũng phối hợp nhằm lồng ghép những nguyên tắc bình đẳng giới vào chính sách và thực hành kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này sẽ đảm bảo duy trì những lợi ích và cơ hội cho lao động trong khu vực phi chính thức kể cả khi Sáng kiến kết thúc. Ứng dụng tích hợp ra mắt ngày hôm nay đánh dấu cột mốc kỷ niệm một năm hợp tác của các bên trong Sáng kiến này.