Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hòa Bình: Vốn tín dụng chính sách góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân

Năm 2022, đã có hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Cao Phong (Hòa Bình) được vay vốn chính sách để phát triển kinh tế. Phòng giao dịch NHCSXH huyện tiếp tục truyền tải vốn đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt tập trung giải ngân kịp thời vốn ưu đãi phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện, Đặng Hoàng Hoán cho biết: Trong những tháng đầu năm, công tác tín dụng chính sách trên địa bàn cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Vốn vay được chuyển tải nhanh chóng đến đúng đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh đó, công tác đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đến hạn, lãi tồn đọng được triển khai tích cực, kịp thời. Chất lượng tín dụng, chất lượng ủy thác và hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn được quan tâm củng cố. Trong bối cảnh đời sống của người dân gặp không ít khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nguồn vốn chính sách đã góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội. Hiện, Phòng giao dịch tích cực triển khai giải ngân vốn vay phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Đến nay, nguồn vốn vay ưu đãi này đã được truyền tải đến nhiều hộ dân trên địa bàn huyện.

Trước đây, gia đình bà Bùi Thị Nhị ở xóm Tiềng, xã Bắc Phong đã được vay 2 chương trình tín dụng từ NHCSXH. Đó là khoản vay 50 triệu đồng vốn chương trình cho vay hộ SXKD vùng khó khăn để đầu tư chăn nuôi và trồng cam. Khoản vay thứ hai là cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để kéo nước sạch về sử dụng. Theo bà Nhị chia sẻ, nhờ nguồn vốn ưu đãi mà đến nay, kinh tế của gia đình ổn định hơn. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến tiêu thụ nông sản, làm ra nhiều nhưng khó tiêu thụ nên việc tái đầu tư gặp không ít khó khăn.

“Trong thời điểm khó khăn như vậy thì nguồn vốn được giải ngân từ NHCSXH có ý nghĩa rất lớn. Gia đình sẽ sử dụng vốn để đầu tư chăn nuôi trâu, lợn sinh sản nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế”, bà Nhị chia sẻ.

Người dân làm thủ tục vay vồn tại Ngân hàng chính sách

Người dân làm thủ tục vay vồn tại Ngân hàng chính sách

Theo rà soát của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cao Phong, nhu cầu được vay vốn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn còn rất lớn. Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục triển khai giải ngân vốn vay đến các đối tượng thụ hưởng, đồng thời triển khai cho vay hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách khác. Qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Đến thời điểm này, đã có khoảng 600 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình kể từ khi mới thành lập đến nay với tổng doanh số cho vay đạt 10.521 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã thực sự phát huy hiệu quả trong đời sống khi tạo và duy trì việc làm cho khoảng 46 nghìn lao động; hơn 1,3 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; gần 32 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; cho vay hỗ trợ xây dựng, cải tạo gần 179 nghìn công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng, sửa chữa gần 21,5 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo; 10 người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc cho 1.462 lượt người lao động do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19…

Đánh giá về hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Ngô Văn Tuấn ghi nhận: Hoạt động tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 giảm từ 36,14% xuống còn 15,21% so với đầu giai đoạn). Toàn tỉnh có 2 huyện và 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới), bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Hiệu quả hoạt động của NHCSXH trong thời gian qua đã khắc phục các hạn chế của chính sách hỗ trợ cho không, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức của người nghèo, từ mặc cảm tự ti, ỷ lại, sợ vay vốn không biết cách sử dụng vốn đến ý thức vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng. Mặt khác, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, tạo niềm tin của người dân đối với chính quyền địa phương”,

Hiện tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025 của tỉnh Hòa Bình còn cao (hộ nghèo 15,49%; hộ cận nghèo 10,65%). Mặc dù tỉnh đã có kế hoạch dành nguồn vốn ngân hàng năm tối thiểu 32 tỷ đồng ủy thác qua chi nhánh NHCSXH tỉnh cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách, song Bí thư Ngô Văn Tuấn cũng cho biết nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh rất lớn. Vì vậy, ông đề nghị NHCSXH Trung ương quan tâm bố trí nguồn vốn tăng trưởng từ 12% - 15%/năm trong giai đoạn 2022 - 2025, đặc biệt là nguồn vốn cho vay hỗ tợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.