Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hoàn thiện hệ thống chính sách để phòng ngừa, phát hiện và giải quyết các vụ xâm hại trẻ em

(Dân sinh) - Nhằm thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em, trong đó có nhóm quyền được bảo vệ, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em, đồng thời thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, từ năm 2015 đến ngày 30/6/2019, Chính phủ đã xây dựng, trình Quốc hội thông qua 11 bộ luật, luật; Chính phủ ban hành 10 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 chỉ thị và 15 quyết định.

Theo đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 có các quy định các biện pháp để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân, trong đó có trẻ em. Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định các tội phạm xâm hại trẻ em. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có những quy định riêng về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi là người bị hại trong vụ án hình sự với nhiều biện pháp tố tụng, thủ tục thân thiện để tăng cường bảo vệ, hỗ trợ các em trong quá trình xử lý vụ án, bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất cho các em.

Hoàn thiện hệ thống chính sách để phòng ngừa, phát hiện và giải quyết các vụ xâm hại trẻ em - Ảnh 1.

Tuyên truyền Luật trẻ em 2016 đến trẻ em.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật hình sự năm 2017 có các quy định nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em và hoàn thiện chính sách hình sự đối với người chưa thành niên, phù hợp với các điều ước quốc tế liên quan đến trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Luật trẻ em năm 2016 quy định về quyền và bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em; có chương riêng về bảo vệ trẻ em, quy định các yêu cầu bảo vệ trẻ em và bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ; các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; chăm sóc thay thế.

Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 đã mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý đối với tất cả trẻ em (không chỉ là "trẻ em không nơi nương tựa" như quy định tại Luật trợ giúp pháp lý năm 2006). Luật an ninh mạng năm 2018 có các quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Luật giáo dục sửa đổi năm 2019 có các quy định mới tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em tiếp cận với giáo dục các cấp bậc học và giáo dục nghề nghiệp. Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 có quy định nghiêm cấm bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

Chính phủ đã ban hành mới và sửa đổi 10 nghị định liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em: Quy định chi tiết Luật trẻ em, Luật trợ giúp pháp lý; Luật bảo hiểm y tế; Luật nuôi con nuôi; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; quy định các chính sách về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có cơ cở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em.

Trong việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thể chế hóa kịp thời và đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phòng, chống xâm hại trẻ em, tạo khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực bảo vệ trẻ em, thúc đẩy thực hiện ngày càng tốt hơn quyền của trẻ em, đặc biệt là nhóm quyền được bảo vệ của trẻ em.

Nội dung các văn bản xây dựng chặt chẽ, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ. Các chính sách trước khi ban hành đều được đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, giới, thủ tục hành chính và đánh giá tác động đối với hệ thống pháp luật, do đó, các quy định được ban hành phù hợp với thực tế cuộc sống và yêu cầu phòng, chống xâm hại trẻ em trong tình hình mới. Việc lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng các văn bản chính sách, pháp luật có liên quan đến trẻ em theo quy định của Luật trẻ em năm 2016 được thực hiện nghiêm túc.

Thông qua công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra việc triển khai thực hiện các văn bản nêu trên bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, nội dung không trái với Hiến pháp và pháp luật có liên quan, đồng thời phù hợp với các điều ước quốc tế về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em mà Việt Nam là thành viên.