Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ trẻ em và tư pháp cho trẻ em

Bộ Tư pháp vừa phối hợp tổ chức Phiên thảo luận “Hoàn thiện và thực thi pháp luật về trẻ em và tư pháp cho trẻ em trong tiến trình cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam”, tại Hà Nội.

Từ khi phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em (CRC), Việt Nam đã tiến những bước rất dài trong việc hoàn thiện luật pháp, chính sách về trẻ em, về bảo vệ trẻ em cũng như các thiết chế tư pháp liên quan để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên khác dưới 18 tuổi tham gia tố tụng; từng bước hài hòa với CRC và các Công ước, điều ước, tiêu chuẩn quốc tế có liên quan khác mà Việt Nam đã phê chuẩn, tham gia.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để thực hiện các cam kết cho trẻ em, từ hoạch định chính sách, hoàn thiện pháp luật, xây dựng nền tư pháp thân thiện với trẻ em, đến việc nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi và theo dõi thi hành pháp luật tăng cường sự phối hợp liên ngành xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan đến trẻ em, kêu gọi sự đồng lòng, chung sức của toàn xã hội và cộng đồng quốc tế để xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trên đất nước Việt Nam.

Hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ trẻ em và tư pháp cho trẻ em - Ảnh 1.

Phối hợp trường học tuyên truyền Luật trẻ em 2016.

Bà Lesley Miler – Phó trưởng đại diện, UNICEF Việt Nam ghi nhận những nỗ lực trong việc hoàn thiện khung pháp luật để tăng cường bảo vệ trẻ em trai và trẻ em gái khỏi mọi hình thức xâm hại. Trong những nỗ lực này cần phải kể đến việc ghi nhận quyền được bảo vệ của trẻ em trong Hiến pháp, việc quy định một chương riêng về bảo vệ trẻ em trong Luật trẻ em, và gần đây nhất là Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số tội xâm hại tình dục và xét xử các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Nghị quyết này đã giải thích chi tiết nhiều hành vi xâm hại tình dục và các tình tiết tăng nặng, cũng như quy định nhiều biện pháp để làm cho thủ tục xét xử được nhạy cảm hơn, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu đặc thù của người chưa thành niên, phù hợp với Công ước Quyền trẻ em và các điển hình tốt trên thế giới.

 UNICEF cũng hoan nghênh việc tăng cường bảo vệ người chưa thành niên vi phạm pháp luật trong Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, và Luật xử lý vi phạm hành chính. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, việc hình thành Tòa gia đình và người chưa thành niên trên toàn quốc là một dấu mốc quan trọng về quyền trẻ em.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cũng cho rằng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trên thực tế vẫn còn không ít khó khăn mà Việt Nam đang phải đối mặt như: Hệ thống pháp luật liên quan để trẻ em nói chung, về bảo vệ trẻ em nói riêng vẫn còn nhiều bất cập; tư pháp cho trẻ em vẫn còn nhiều việc phải làm để hướng đến một hệ thống tư pháp người chưa thành niên toàn diện. Có thể kể đến các khoảng trống pháp lý như: Quy định về quy trình tư pháp bảo vệ trẻ em, thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên chưa cụ thể, thiếu quy định cụ thể về điều tra thân thiện với trẻ em. Hệ thống xử lý hành chính và hình sự còn nhiều điểm chồng chéo, bất cập. Chưa có quy định cơ quan điều phối về tư pháp người chưa thành niên. Chưa có cán bộ chuyên trách về trẻ em, về người chưa thành niên trong các cơ quan công an, kiểm sát, trợ giúp pháp lý, luật sư. Quy định giám sát pháp y bất cập, cản trở việc tố cáo, điều tra xâm hại trẻ em…

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), để bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em hiệu quả đòi hỏi phải phát hiện và giải quyết kịp thời các nguy cơ xâm hại trẻ em. Đối với trẻ em có nguy cơ hoặc thực tế đã bị xâm hại phải được hỗ trợ và bảo vệ và người có hành vi xâm hại phải bị xử lý nghiêm khắc. Những công việc này liên quan đến nhiệm vụ, chức năng của rất nhiều cơ quan và đòi hỏi những cơ quan này phải phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng với nhau để ngăn chặn ngay lập tức hành vi xâm hại, bảo đảm an toàn cho trẻ em và truy cứu trách nhiệm hình sự của người có hành vi xâm hại.

Ông Nam cho rằng, những năm qua Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong hoàn thiện khung khổ luật pháp chính sách, hoàn thiện các thiết chế hành pháp và tư pháp để phòng ngừa và bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức xâm hại. Vấn đề quan trọng là những quy định này của pháp luật phải được thi hành đồng bộ và hiệu quả với sự vào cuộc đồng thời của các cơ quan công an, kiểm sát, tòa án, LĐ-TB&XH, tư pháp, trợ giúp pháp lý và các tổ chức ban ngành khác. "Việc sửa đổi, bổ sung những bộ luật, luật về hoặc có liên quan đến tư pháp là hình thành một hệ thống tư pháp thân thiện và vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em và người chưa thành niên phù hợp với các chuẩn mực quốc tế", Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh.