Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hoàn thiện Luật ATVSLĐ nhằm ngăn chặn và đẩy lùi Tai nạn lao động

(Dân sinh) - Trong quá trình thực thi Luật An toàn, Vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho thấy có chồng chéo, mâu thuẫn, trùng lặp giữa quy định của Luật với các luật, pháp lệnh,…Do đó, cần được thống nhất trong quy định về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, điều tra tai nạn lao động để ngăn chặn và đẩy lùi Tai nạn lao động, Bệnh nghề nghiệp.

Trong 2 ngày (27 - 28/6) tại TP.HCM, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị Tổng kết, đánh giá việc thực thi Luật ATVSLĐ năm 2015 để làm cơ sở cho việc xem xét, đề xuất xây dựng Luật ATVSLĐ (sửa đổi).

TS. Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) phát biểu tại Hội nghị.

TS. Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị tiến hành tổng kết, đánh giá thực thi Luật ATVSLĐ động trên 4 nội dung chính: Công tác triển khai thi hành Luật ATVSLĐ, bao gồm cả việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật; Tình hình thực hiện các quy định của Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành, bao gồm: các tác động tích cực, sự thống nhất, chồng chéo, mâu thuẫn với hệ thống văn bản pháp luật, các điều ước quốc tế và xác định các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cần được điều chỉnh, giải quyết; Công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động; Đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với Luật ATVSLĐ.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, ngay sau khi Luật ATVSLĐ năm 2015 được ban hành, từ năm 2015 đến năm 2021, các cơ quan có thẩm quyền đã xây dựng và trình ban hành, ban hành 106 văn bản điều chỉnh trực tiếp và 23 văn bản có liên quan đến nội dung an toàn, vệ sinh lao động; ban hành các quyết định công bố các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực một phần, hết hiệu lực toàn bộ.

Nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, trên cơ sở kết dư cân bằng quỹ, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định mức đóng bảo hiểm hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp về 0.5 % và 0,3% năm 2020 và mức 0% từ 1/7/2021- 1/7/2022 cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. 

Cũng theo Cục An toàn lao động, trong quá trình thực thi Luật ATVSLĐ vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: Vẫn còn một vài nội dung Luật giao chưa xây dựng văn bản quy định chi tiết; xây dựng ban hành các quy chuẩn chuyên ngành vẫn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, cập nhật; Còn quá nhiều thông tư, quy định của các bộ gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận, áp dụng Luật; Chất lượng văn bản còn hạn chế dẫn đến tình trạng phải sửa đổi, thay thế trong thời gian ngắn hoặc gây vướng mắc trong thời gian thực hiện hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động. 

Luật An toàn, vệ sinh lao động đã góp phần ngăn chăn và đẩy lùi Tai nạn lao động.

Luật An toàn, vệ sinh lao động đã góp phần ngăn chăn và đẩy lùi Tai nạn lao động.

Bên cạnh đó, phạm vi thông tin tuyên truyền còn hạn chế, đặc biệt với nhóm đối tượng lao động không có hợp đồng lao động và các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; Việc chấp hành quy định của Luật ATVSLĐ về trách nhiệm của UBND các cấp trong báo cáo HĐND cùng cấp về công tác ATVSLĐ còn hạn chế, chưa được thực hiện nghiêm túc ở nhiều địa phương; Công tác thanh tra, kiểm tra giám sát có lúc có nơi còn thiếu sâu sát, chưa kịp thời phát hiện các vi phạm, nguy cơ gây mất an toàn,... 

Tại Hội nghị, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam là một trong những quốc gia đã có bước tiến lớn trong việc xây dựng Luật ATVSLĐ năm 2015. Tuy nhiên, bà Ingrid Christensen cũng đặt vấn đề những biện pháp diễn ra với những ngành nghề có nguy cơ cao như ngành xây dựng, ngành đánh bắt hải sản, điện, ngành mỏ than, khai khoáng,..; những vấn đề liên quan đến báo cáo về số liệu các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của Việt Nam còn hạn chế.  

“Số liệu báo cáo về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cần rõ ràng chính xác hơn để có điều chỉnh, phòng chống kịp thời trước mắt cũng như tương lai”, bà Ingrid Christensen nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, bà Ingrid Christensen cũng đặt ra các vấn đề liên quan đến thanh tra các cơ sở lao động, các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chất lượng của đội ngũ thanh tra lao động từ trung ương đến địa phương và mối quan tâm từ phía doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đến vấn đề ATVSLĐ. 

Empty

Tại Hội nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về: Những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong triển khai thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành; xác định những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiến triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động cần được điều chỉnh.

Đặc biệt chú ý đánh giá các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, các loại khai báo, báo cáo; Sự thống nhất giữa các quy định của Luật ATVSLĐ với các luật, pháp lệnh khác và điều ước quốc tế có liên quan. Từ đó, đưa ra các giải pháp, kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung Luật ATVSLĐ năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đánh giá về Công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ATVSLĐ năm 2015, Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV nhận định: Về cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành kịp thời, đúng thẩm quyền, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với Luật ATVSLĐ và văn bản quy phạm pháp luật cửa cơ quan nhà nước cấp trên.

Hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ATVSLĐ cơ bản đáp ứng được yêu cầu cụ thể hóa các chính sách, đưa luật đi vào cuộc sống và kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh, góp phần đưa công tác quản lý nhà nước và thực thi chính sách pháp luật trong lĩnh vực này ngày càng hiệu quả hơn.

Công tác triển khai và giám sát thi hành Luật ATVSLĐ đã được Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo sát sao; các bộ, ngành, địa phương đã cố gắng thực hiện một cách nghiêm túc, thống nhất, đồng bộ, kịp thời và nhận được sự đồng thuận của người lao động và người sử dụng lao động.