Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hối hả những chuyến xe Tết

(Dân sinh) - Nếu những ngày đầu tháng Chạp âm lịch, vé tàu xe Tết từ TP. Hồ Chí Minh về các vùng quê luôn ê hề, nhiều hành khách nói "muốn mua bao nhiêu cũng có" thì bất ngờ những ngày gần đây, do lượng hành khách có nhu cầu về quê tăng vọt, vé tàu xe bỗng trở nên khan hiếm.

Một phần nguyên nhân là do những người làm ăn xa quê "nghe ngóng" tình hình ở quê xem "chính sách" cách ly người về từ "vùng dịch" ra sao. Những ngày trước, nhiều địa phương - từ cấp tỉnh, huyện đến cấp xã, phường đặt ra những quy định ngặt nghèo, bắt buộc người về quê ăn Tết phải cách ly, thậm chí còn phải xét nghiệm, nên nhiều người ngại ngần không muốn về. Gần đây, nhiều địa phương đã tỏ ra "cởi mở" hơn, nới lỏng nhiều quy định, nhất là không bắt cách ly, nên nhiều người quyết định về quê.

  Những năm trước, rất nhiều doanh nghiệp, địa phương vào thời điểm này đã tổ chức các chuyến xe đưa người lao động về tận nhà ăn Tết, sau Tết lại có xe đón vào làm việc. Năm nay, có lẽ do tình hình sản xuất kinh doanh quá khó khăn, nên không nhiều địa phương, doanh nghiệp có đủ điều kiện để đưa đón người lao động. Vì thế là hầu hết người lao động phải sử dụng các phương tiện công cộng như tàu hỏa, xe khách để về quê.

  Ghi nhận từ thực tế cho thấy, trong vài ngày gần đây vé tàu tại ga Sài Gòn đi miền Trung, miền Bắc đã gần như không còn. Trong khi đó, vé xe khách cũng rất khan hiếm. Không ít người đã phải tính tới phương án nhiều người chung tiền để thuê hẳn những chuyến xe để cùng nhau về quê.

  Đây cũng là lúc mà nhiều loại phương tiện "không chính thống" - hay còn gọi là "xe dù", tăng cường hoạt động. Những chuyến xe này thường chạy với tốc độ rất cao để "tranh thủ" quay vòng càng nhiều càng tốt. Một số tài xế cho biết, chủ xe "giao khoán" họ phải thực hiện những chuyến xe với lộ trình hàng nghìn km chỉ trong vòng 1,5 đến 2 ngày. Để "tối ưu hóa lợi nhuận", những chuyến xe này luôn sẵn sàng bắt khách dọc đường, nhồi nhét khách chật cứng - có khi gấp 1,5 hay gấp 2 tải trọng cho phép. Trong khi đó, tài xế luôn phải làm việc hết sức nên rất mệt mỏi, không tỉnh táo, có những người phải sử dụng chất kích thích để "có sức" mà lái xe.

  Đó là nguyên nhân có thể dẫn tới những vụ tai nạn thảm khốc. Thực tế những năm trước cho thấy, dịp cận Tết chính là thời điểm bùng nổ nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, số người thương vong thường khá cao.

  Vì vậy, đề nghị lưc lượng chức năng tăng cường kiểm soát để đảm bảo an toàn cho hành khách. Những người về quê ăn Tết đều đã trải qua một năm vất vả, lăn lộn mưu sinh trong điều kiện dịch bệnh, họ rất cần có Tết bình yên, đầm ấm bên gia đình.

  Một vấn đề nữa đặt ra vào lúc này, đó là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp, khi không loại trừ khả năng một số người lao động về quê ăn Tết và sau đó không trở lại làm việc, nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực sau Tết là rất lớn. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp cần tính toán kỹ lưỡng mọi nguồn lực của mình để đưa ra các chính sách phù hợp nhằm giữ chân người lao động. Bởi nếu để xảy ra tình trạng "chảy máu nhân lực" thì quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

  Tết đã đến rất gần, xin chúc những người dân làm ăn xa xứ có một chuyến hồi hương an toàn, có những ngày Tết đầm ấm, vui vẻ cùng gia đình và sau Tết sẽ bước vào một năm mới làm ăn với nhiều thuận lợi!