Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về Lao động (SLOM) lần thứ 16

Ngày 26/10, Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN (SLOM) lần thứ 16 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Đoàn Việt Nam tham dự do bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH làm Trưởng đoàn.

Hội nghị ghi nhận, cập nhật của Ban Thư ký ASEAN về tiến độ thực hiện các quyết định của các cuộc họp ASEAN liên quan tới SLOM bao gồm: hệ thống giám sát dựa trên việc thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) gồm có Khung khổ báo cáo về việc thực hiện kế hoạch công tác của các cơ quan chuyên ngành ASCC, Báo cáo đánh giá giữa kỳ ASCC, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 và Chuyến thăm khảo sát tới Đông Timo.

Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về Lao động (SLOM) lần thứ 16 - Ảnh 1.

Bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH làm Trưởng đoàn.

Tại Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã cập nhật tiến độ thực hiện các hoạt động/ dự án do Việt Nam chủ trì bao gồm: tiến trình xây dựng và thông qua Tuyên bố ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay và Lộ trình thực hiện. Theo đó, ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36; Lộ trình của Tuyên bố bao gồm các hành động/chương trình cụ thể nhằm triển khai Tuyên bố cũng đã được thông qua tại Hội nghị cấp Bộ trưởng Lao động và Giáo dục về Phát triển Nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay ngày 16/9/2020 và sẽ được trình Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 ghi nhận vào cuối năm 2020.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với các quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế có liên quan nhằm triển khai hiệu quả Lộ trình thực hiện Tuyên bố trong thời gian tới; Lồng ghép giới trong chính sách lao động và việc làm nhằm thúc đẩy việc làm bền vững cho tất cả mọi người. Hiện bản Hướng dẫn lồng ghép giới vào luật pháp và các chính sách lao động đã được hoàn thiện. Việt Nam thông tin sẽ tổ chức Khóa đào tạo triển khai Hướng dẫn vào đầu năm 2021; Nghiên cứu khu vực về sự thay đổi của bản chất quan hệ việc làm như một tác động của việc sử dụng khoa học công nghệ (ICT) và sự đầy đủ của pháp luật trong việc quy định các quan hệ lao động.

"Hiện Nghiên cứu đã được hoàn thiện và theo dự kiến, Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo chia sẻ báo cáo vào năm 2021" - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH cho biết.

Tại Hội nghị, Ban thư ký cũng đã thông tin về Khung khổ phục hồi tổng thể ASEAN và kế hoạch tổng thể thực hiện Khung khổ trong thời gian tới. Mục tiêu trọng tâm của Khung khổ nhằm đưa ra các ưu tiên của các cơ quan chuyên ngành thuộc các trụ cột của ASEAN và các bên liên quan bao gồm khu vực tư nhân, các đối tác đối thoại nhằm phối hợp để mở cửa lại nền kinh tế và đóng góp vào việc phục hồi và chủ động thích ứng của ASEAN. Ngoài ra, hội nghị cũng thông tin về các Tuyên bố của ASEAN được thông qua thời gian qua bao gồm Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay và Lộ trình thực hiện Tuyên bố; Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN; Tuyên bố của các Bộ trưởng Lao động ASEAN về Tương lai việc làm: nắm bắt công nghệ cho tăng trương bao trùm và bền vững; Tuyên bố ASEAN về thúc đẩy việc làm xanh cho công bằng và tăng trưởng bao trùm của Cộng đồng ASEAN; Đồng thuận ASEAN về Bảo vệ và Thúc đẩy Quyền của người lao động di cư; Tuyên bố của các Bộ trưởng Lao động ASEAN về thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động cho tăng trưởng kinh tế bền vững; Tuyên bố Viêng Chăn về chuyển đổi việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức hướng tới thúc đẩy việc làm thỏa đáng trong ASEAN; Lộ trình ASEAN về xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất vào năm 2025.

Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về Lao động (SLOM) lần thứ 16 - Ảnh 3.

Đoàn Việt Nam.

Hội nghị lần này các quốc gia thành viên cũng đã xem xét và thống nhất các Kế hoạch công tác thuộc kênh lao động giai đoạn 2021-2025 bao gồm: Chương trình làm việc của các Bộ trưởng Lao động ASEAN giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch công tác của Nhóm công tác về các điển hình lao động tiên tiến nhằm tăng cường tính cạnh tranh trong ASEAN (SLOM-WG) 2021-2025, Kế hoạch công tác về An toàn vệ sinh lao động (ASEAN-OSHNET) 2021-2025, Kế hoạch công tác của Ủy ban thực hiện Tuyên bố ASEAN về Bảo vệ và Thúc đẩy quyền của người lao động di cư (ACMW) giai đoạn 2021-2025.

Trong khuôn khổ Hội nghị SLOM lần thứ 15 đã diễn ra Phiên họp mở với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Hội nghị quan chức cấp cao về lao động ASEAN và 3 nước đối tác Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc (SLOM+3) lần thứ 18. Tại Hội nghị SLOM+ 3, các nước đã chia sẻ về những ưu tiên và hoạt động liên quan đến hợp tác+3. ASEAN đã cảm ơn sự hỗ trợ về mặt tài chính và kỹ thuật của các nước+3 nhằm thúc đẩy những nỗ lực của ASEAN trong việc hỗ trợ thúc đẩy nguồn nhân lực, năng suất lao động cho người lao động đặc biệt trong bối cảnh thế giới công việc đang đổi thay nhanh chóng. Tại Hội nghị, Việt Nam gửi lời cảm ơn đến Nhật Bản và Hàn Quốc đã hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện các dự án khu vực trong lĩnh vực này như dự án Lồng ghép giới trong chính sách lao động và việc làm nhằm thúc đẩy việc làm bền vững cho tất cả và dự án sẽ được khởi động trong thời gian tới về Tăng cường tính cạnh tranh của nguồn nhân lực thông quan việc phát triển các giáo trình về đào tạo nghề (TVET).

Hội nghị SLOM là hoạt động được tổ chức thường niên nhằm kiểm điểm tình hình thực hiện các hoạt động thuộc 3 Nhóm công tác bao gồm: Nhóm công tác về các điển hình Lao động tiên tiến nhằm tăng cường tính cạnh tranh trong ASEAN (SLOM-WG); Ủy ban thực hiện Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư (ACMW) và Mạng An toàn vệ sinh lao động ASEAN (ASEAN-OSHNET).