Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hồi sinh ở vùng lũ Sa Ná

(Dân sinh) - Đã hơn bốn tháng kể từ khi trận lũ lịch sử đổ về, người dân vùng lũ tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) đã dần ổn định cuộc sống. Những nếp nhà sàn mới được dựng lại, những ngôi nhà mới xây còn nguyên mùi hồ vữa đón người dân về tái định cư tại bản mới. Với nhiều hộ gia đình ở bản tái định cư Sa Ná chắc chắn Tết này sẽ không vui bằng bằng Tết trước, nhưng trong sâu thẳm, niềm vui về sự hồi sinh ở bản mới cũng đã bắt đầu.

Nỗ lực khắc phục hậu quả

Chỉ mới hơn 4 tháng trước, các con đường dẫn về bản Sa Ná đều bị cô lập, chia cắt bởi dòng lũ dữ, để vào tới bản, chẳng còn cách nào khác ngoài vượt bè mảng hay băng rừng, lội suối để vào. Cả một góc bản ở Sa Ná vốn bình dị, thân thương ngày nào đã bị dòng lũ dữ san phẳng, ngổn ngang đất, cát, cây gỗ dồn ứ, chất thành đống. Những khúc gỗ lớn từ phía thượng nguồn đổ về chắn hết cả lối đi. Những ngôi nhà yên ấm ngày nào giờ chỉ còn trơ lại móng, siêu vẹo trong đống đổ nát. Dòng lũ dữ sau khi rút đi vẫn còn để lại hàng ngấn nước bùn đất, rác cỏ bám đầy trên những thân cây, bờ đá. Những thửa ruộng ven dòng suối Son bị cát, sỏi, đá, gỗ mục từ phía thượng nguồn đổ về vùi lấp quá nửa thân người. Sau mưa lũ, nước rút, người dân bản Sa Ná lại đùm bọc nhau gắng gượng nhặt nhạnh những gì còn sót lại để gây dựng cuộc sống.

Hồi sinh ở vùng lũ Sa Ná - Ảnh 1.

Lãnh đạo huyện Quan Sơn thăm hỏi, động viên người dân bản Sa Ná trong ngày đầu về nhà mới

Trở lại Sa Ná lần này, chúng tôi không phải đi bè mảng hay đi bộ luồn rừng vào bản như lần tác nghiệp cách đây vài tháng trước. Một chiếc kè mới được bắc tạm cho xe vượt qua sông Luồng, con đường tạm đi vào bản cũng được sửa sang để vận chuyển vật liệu xây dựng, nhu yếu phẩm phục vụ người dân nơi bản mới. Những dư âm của cơn lũ đã dần lắng xuống để nhường chỗ cho sự hồi sinh ở bản mới cũng đã bắt đầu.

Nhớ lại những ngày nước lũ lên cao, dòng lũ dữ đổ về trong phút chốc cuốn trôi 19 nóc nhà, khiến 10 người chết và còn đang mất tích, anh Ngân Văn Thêu, Phó trưởng bản Sa Ná cho biết: "Bản Sa Ná được thành lập từ những năm 1930, nhưng đây là trận lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề nhất về người và tài sản. Bản Sa Ná hiện có hơn 70 hộ dân sinh sống, những hộ bị cuốn trôi nhà đều nằm dọc ven bờ suối với chiều dài khoảng 300m. Ngay từ những ngày đầu, bà con rất xúc động trước sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội giúp bà con vượt qua khó khăn trước mắt, rồi xây dựng khu tái định cư  mới để sớm ổn định cuộc sống" – anh Thêu xúc động chia sẻ.

Hồi sinh ở vùng lũ Sa Ná - Ảnh 2.

Anh Hà Văn Vân trao đổi với phóng viên

Có mặt tại Sa Ná ngay từ những ngày đầu, Trung tá Trần Công Sơn, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 762, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Ngay sau khi lũ tràn qua bản, ngày 4/8, lực lượng của Trung đoàn được lệnh lên đường hỗ trợ, giúp đỡ bà con vùng lũ Sa Ná. Cùng với các lực lượng của huyện, lực lượng biên phòng và các lực lượng khác nỗ lực tìm kiếm cứu nạn dọc sông Luồng nơi nghi có người chết và mất tích. Trung đoàn còn tổ chức bắc cầu tạm, làm đường vận chuyển vật liệu xây dựng, nhu yếu phẩm phục vụ người dân, dọn dẹp, khắc phục hậu quả ở bản cũ. Đợt hai chúng tôi lên Sa Ná giúp bà con ổn định, tái thiết cuộc sống ở bản tái định cư mới. Lực lượng tham gia là cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn, cùng với các lực lượng khác, tổ chức giải phóng mặt bằng, xây nhà, dựng nhà sàn, giúp bà con nhanh chóng ổn định nơi sinh hoạt. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, cùng với chính quyền địa phương và các lực lượng nỗ lực xây dựng khu tái định cư cho bà con. Đến nay, khu tái định cư mới đã hình thành, một số vị trí còn đang hoàn thiện. Lực lượng của Trung đoàn vẫn đang tiếp tục hỗ trợ làm sân, đường ống nước, nhà bếp, công trình phụ cho bà con nhân dân, đặc biệt là 19 hộ có nhà bị lũ cuốn trôi, có người chết và mất tích. Chúng tôi cũng xác định khi nào bà con ổn định cuộc sống, hoàn thành nhiệm vụ được giao sẽ rút về đơn vị để tiếp tục huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu" – Trung tá Sơn nói.

Ông Vũ Văn Đạt, chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết thêm: "Ngay sau khi xảy ra lũ quét, chính quyền địa phương cùng các lực lượng được huy động để hỗ trợ giúp đỡ bà con, đảm bảo bà con không bị thiếu lượng thực, nước sạch, chăm sóc y tế, trẻ em bị thất học. Lũ rút đến đâu, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể tập trung khắc phục hậu quả ngay đến đó. Được Trung ương quan tâm, tỉnh chỉ đạo và sự giúp đỡ của toàn xã hội, từ ngày 18/8, chính quyền địa phương đã huy động tối đa phương tiện, nhân lực để xây dựng khu tái định cư cho người dân. Khu tái định cư Sa Ná cách bản cũ khoảng 1km, có diện tích hơn 5,2 ha, với 19 nhà xây, 32 nhà sàn, trường mầm non, trường tiểu học, nhà văn hóa và hệ thống đường nội bộ, cây xanh. Đối với nhà bị thiệt hại từ 70 đến 100% được hỗ trợ 300 triệu đồng; nhà bị thiệt hại từ 50 đến 70% được hỗ trợ 200 triệu đồng; nhà bị thiệt hại từ 30 đến 50% được hỗ trợ 150 triệu đồng; nhà phải di dời hỗ trợ 40 triệu đồng" – ông Đạt cho biết.

Sa Ná đang hồi sinh từng ngày

Bản Sa Ná hoang tàn trong lũ dữ mấy tháng trước, giờ đã là một khu tái định cư mới đẹp như tranh. Có mặt tại khu tái định cư bản Sa Ná những ngày giáp Tết này, chúng tôi mới thấy được không khí nhộn nhịp, sự khẩn trương, nỗ lực của các cấp chính quyền, người dân, các đơn vị hỗ trợ trong việc gấp rút hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để người dân bản Sa Ná có một chỗ ở ổn định, cùng đón Tết cổ truyền với dân tộc, yên tâm xây dựng kinh tế ở bản mới.

Hồi sinh ở vùng lũ Sa Ná - Ảnh 3.

Dân bản tái định cư Sa Ná trồng cây ngày về nhà mới

Gặp lại chị Hà Thị Tiếng, nói trong dòng nước mắt nghẹn ngào nhưng đó là những giọt nước mắt của niềm vui, hạnh phúc, chị Tiếng không khỏi xúc động chia sẻ: "Cả gia đình em may mắn thoát nạn trong đợt lũ dữ vừa rồi nhưng toàn bộ tài sản và ngôi nhà mới vừa được sửa sang, làm lại bằng số tiền vay mượn cũng bị cuốn trôi hết chỉ còn trơ lại móng. Nếu không có Đảng, Nhà nước và những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ vợ chồng em không biết có sống nổi không. Nay được hỗ trợ về khu tái định cư mới em thấy mình còn may mắn và hạnh phúc lắm. Hiện tại gia đình em cũng đang hoàn thành nhà bếp, bể nước rồi dọn dẹp lại nhà cửa để chuẩn bị đón Tết cổ truyền cùng dân tộc. Cũng may vì có các anh bộ đội giúp đỡ, xây dựng, dọn dẹp nên gia đình rất yên tâm và cám ơn các anh ấy nhiều lắm. Có những người lên đây giúp đỡ bà con, cùng ăn, cùng ở mấy tháng liền nên ai cũng thương và quý các anh ấy lắm. Tết đến, dù không mua sắm gì nhiều nhưng em cũng thấy vui, hạnh phúc và yên tâm tại nơi ở mới…" – chị Tiếng xúc động chia sẻ.

Có mặt tại nhà anh Hà Văn Vân – người đàn ông được mệnh danh "bất hạnh nhất" bản Sa Ná bởi có đến 6 người thân trong gia đình mất trong cơn lũ dữ. Trong ngôi nhà chính mới xây còn nguyên mùi hồ vữa, gian bếp đang được các anh bộ đội san nền, lát những viên gạch cuối cùng, tất bật lau chùi, kê dọn đồ đạc trong căn nhà mới nhận, vừa dọn dẹp nhà cửa, vừa chia sẻ với chúng tôi, anh Vân cho biết đang ấp ủ nhiều dự định để xây dựng lại một cuộc sống mới: "Sau đợt lũ vừa rồi em như người chết đi bởi tất cả người thân gồm bố, mẹ chị gái, vợ con đều bị dòng lũ dữ cướp mất. Nhờ có sự chia sẻ, hỗ trợ, động viên của tất cả mọi người mà em mới trụ được đến ngày hôm nay. Về nơi ở mới em cũng chẳng đi làm xa nữa, sẽ sử dụng số tiền của các nhà hảo tâm ủng hộ để mua trâu, bò tăng gia, sản xuất, sẽ kiếm cho mình một công việc gần nhà để còn lo hương khói cho bố, mẹ, vợ con. Nhà cửa hoàn thành, công việc gia đình xong xuôi, sau này em cũng sẽ tìm một tổ ấm mới cho riêng mình để xây dựng lại cuộc sống…" – anh Vân nói.

Hồi sinh ở vùng lũ Sa Ná - Ảnh 4.

Nhà của người dân bản tái định cư Sa Ná đang được gấp rút hoàn thành

Chia sẻ niềm vui với chúng tôi trong những ngày bà con về nơi tái định cư mới, ông Vũ Văn Đạt cho biết thêm: "Trải qua hơn 3 tháng khẩn trương xây dựng nhưng có đến gần 1 tháng là những ngày mưa khiến cho nhiều hoạt động xây dựng gần như bị đình trệ hoàn toàn. UBND huyện Quan Sơn vẫn nỗ lực thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để hoàn thành khu tái định cư. Đến ngày 29/11, UBND huyện Quan Sơn đã tổ chức lễ bàn giao 51 ngôi nhà tái định cư cho người dân bản Sa Ná, một nhà văn hóa quy mô 100 chỗ ngồi. Trường tiểu học và mầm non, xây dựng hệ thống đường, điện, nước sinh hoạt đang được gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối cùng, phấn đấu hoàn thiện xong trước Tết âm lịch để bà con yên tâm đón Tết cổ truyền cùng dân tộc. Huyện cũng đã lên phương án xem xét nhu cầu của bà con dân bản, khi về ở hộ nào còn khó khăn, thiếu thốn sẽ vận động hỗ trợ cho người dân. Trước Tết âm lịch sẽ tổ chức chương trình tất niên giữa các đơn vị hỗ trợ và người dân bản tái định cư, tổ chức trồng cây xung quanh bản, tạo không khí vui tươi, đầm ấm để bà con yên tâm tại bản mới. Về sinh kế lâu dài để người dân yên tâm an cư, xây dựng cuộc sống, tỉnh đã phê duyệt dự án đường cầu giao thông từ bản Bo Hiềng đi bản Son, từ bản Son đi Ché Lầu, dự kiến cuối năm 2019 sẽ bắt đầu tiến hành triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ cho khôi phục lại đất ruộng, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp những nơi bà con có thể tận dụng lại để sản xuất. Huyện cũng đang vận động doanh nghiệp tái thiết lại xưởng chế biến lâm sản, huyện với ngân hàng cam kết hỗ trợ, đào tạo nghề, phối hợp với doanh nghiệp để tạo việc làm cho người dân địa phương…" – ông Đạt chia sẻ.

Chia tay người dân bản tái định cư Sa Ná, chúng tôi cảm thấy ấm lòng hơn từ tình quân - dân, tình nhân ái trong hoạn nạn, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm với mong muốn  đổi thay trong cuộc sống của đồng bào ở vùng đất còn nhiều gian khó Sa Ná. Một mùa xuân mới thực sự đã về nơi phên dậu phía tây tỉnh Thanh.