Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hội thảo FAEA-45: Phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN sau đại dịch COVID-19

Trong hai ngày 25 và 26/11/2022 tại Hà Nội, Liên đoàn các Hội Khoa học Kinh tế ASEAN (FAEA-45) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN sau đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh nền kinh tế quốc tế có những biến động lớn”.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế trong khu vực ASEAN đối mặt nhiều thách thức về hồi phục hậu Covid, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động. Trong lúc chưa phục hồi vững từ cú sốc do Covid gây ra, các nền kinh tế Đông Nam Á tiếp tục phải ứng phó với sự leo thang của lạm phát, biến động tỷ giá và lãi suất toàn cầu, cũng như nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết, Hội thảo là dịp để đông đảo các nhà kinh tế của các nước ASEAN trực tiếp gặp gỡ, cùng nhau thảo luận, đánh giá tiến trình phục hồi và triển vọng của các nền kinh tế trong khu vực sau đại dịch, trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chưa từng thấy, có nhiều bất định, bất ổn, những tình huống đảo chiều, đột biến và rủi ro khó lường. Đây cũng là sự kiện đối ngoại nhân dân quan trọng góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh mới. 

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Hội thảo có 3 phiên họp toàn thể và 7 phiên họp song song, với gần 40 tham luận thuộc 14 nhóm chủ đề của các chuyên gia đến từ Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực ASEAN.

Tại Hội thảo, các thành viên trong FAEA đã cùng bàn luận, đóng góp ý kiến và đề xuất phương án phục hồi, xây dựng và phát triển nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. Các ý kiến vừa mang tính thời sự, cấp thiết, vừa có tầm nhìn tổng thể và dài hạn về kinh tế khu vực. Qua đó góp phần cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách của các nước ASEAN những luận cứ khoa học hữu ích, cả về lý thuyết và thực tiễn, để ứng phó với những thay đổi ở cấp khu vực, toàn cầu và trong mỗi quốc gia.

Liên đoàn FAEA có 7 nước tham gia chính thức là Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philipines, Singapore, Thai Lan và Việt Nam và 4 nước khác là khách mời (Brunei, Lào, Myanma và Đông Timo). Hằng năm Liên đoàn tổ chức các Hội thảo khoa học và họp Ban Chấp hành đến nay đã có 44 FAEA). Hội thảo và Hội nghị FAEA được tổ chức luân phiên tại các nước. Việt Nam đã là nước chủ nhà của FAEA các năm 2002, 2008 và 2015.