Quay lại Dân trí
Dân Sinh

“Hơi thở biển” góp phần giữ màu xanh của biển

(Dân sinh) - Hơn 40 tác phẩm với chủ đề “Hơi thở biển” của nhóm nghệ sĩ 33A được trưng bày tại triển lãm cùng tên sẽ được khai mạc vào chiều 11/11 tại Hà Nội. Theo các nghệ sĩ, qua triển lãm muốn truyền đến công chúng một thông điệp: “Hãy cùng chung tay vì màu xanh của Biển, để Biển là bạn, là quê hương và là nơi đáng sống”.

“Hơi thở biển” góp phần giữ màu xanh của biển - Ảnh 1.

"Hơi thở Biển" là kết quả sau hơn một năm ấp ủ ý tưởng và cũng là thành quả của các nghệ sĩ khi trải nghiệm và vẽ thực tế các vùng ven biển của Việt Nam như: Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Vũng Tàu, Cần Thơ, Cà Mau… Qua đó các nghệ sĩ mang được cái tinh thần của con người, của cảnh vật và mảnh đất vùng biển vào trong tác phẩm của mình. BTC cho biết, với đề tài biển, người nghệ sĩ không chỉ vẽ, không chỉ điêu khắc về biển mà người nghệ sĩ còn sống cùng, ở cùng và đẫm mình cùng cuộc sống của người dân vùng biển, để thông qua đó người nghệ sĩ còn khai thác ở nhiều khía cạnh, nhiều mảng màu khác nhau của đời sống nơi vùng miền đó và qua lăng kính sáng tạo của người nghệ sĩ ấy "hơi thở biển" trở nên phong phú, khác biệt và đầy sáng tạo

“Hơi thở biển” góp phần giữ màu xanh của biển - Ảnh 2.

Trong triển lãm lần này là sự thay đổi lớn, mặc dù mỗi nghệ sĩ đã định hình cá tính và có lối đi riêng, nhưng các nghệ sĩ 33A đã trình làng một triển lãm để khẳng định rõ hơn điều đó, vì họ đủ khác nhau về phong cách, đủ khác nhau về chất liệu và khác nhau bởi cách nhìn mặc dù họ cùng chung nhau một đề tài, cũng có nghĩa là chung nhau một hướng nhìn và rồi trên cái chung ấy bạn phải đủ mạnh để tạo ra sự khác biệt, sự độc đáo nhưng vẫn phải là mình chứ không phải ai khác.

“Hơi thở biển” góp phần giữ màu xanh của biển - Ảnh 3.

Mang đến cách nhìn đa chiều về mảnh đất và con người vùng biển, thông qua các tác phẩm của mình, họa sĩ Nguyễn Minh muốn người xem có thể thấy một cuộc sống đang phát triển phồn thịnh của một phố biển, hay cảm nhận được vị mặn của những giọt mồ hôi khi mỗi người dân lao động trên cánh đồng muối, cảm nhận về tình người của một xóm chài nghèo nhưng người dân vẫn sát cánh tương hỗ bên nhau mỗi khi bão về. Đó cũng là cảm nhận về xác một chiếc tàu sau khi đã hoàn tất sứ mệnh của những chuyến đi vẫn trở về với biển xanh, qua đó, chúng ta có cái nhìn lạc quan hơn về cuộc sống và có những hành động vì cộng đồng…"

“Hơi thở biển” góp phần giữ màu xanh của biển - Ảnh 4.

Còn nói về môi trường biển hiện nay, họa sĩ Dương Tuấn cho biết, hiện tại môi trường rừng và biển đc nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông. Cụ thể, môi trường biển bị ô nhiễm nặng, rác thải, chất thải công nghiệp đang hàng ngày tàn phá môi trường biển và gây ra rất nhiều nguy hại đến sức khỏe con người. Là một họa sĩ, thông qua tác phẩm của mình tôi muốn mọi người nhận ra rằng biển đẹp lắm. biển cho ta nhiều thứ lắm và như thế chúng ta phải biết nâng niu, trân trọng và giữ gìn những gì mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta. Nếu để biển chết thì chúng ta và con cháu ta cũng sẽ chết!

“Hơi thở biển” góp phần giữ màu xanh của biển - Ảnh 5.

Theo họa sĩ Tuấn Đạt, khi đến với Biển, mỗi người cảm nhận được sự nhỏ bé của bản thân, sự vô thường của cuộc sống...Biển cũng như hơi thở của con người vậy. Tặng vật của chúng ta nhận được từ biển không chỉ là những gánh ốc, những mảnh sò hay tất cả những gì thuộc về vật chất hữu hình. Có một tặng vật ý nghĩa hơn, quan trọng hơn, vô hình, nhưng là vô giá. Đó là sự tĩnh lặng trong tâm hồn và hơi thở. Trong khi đó, họa sĩ Mạnh Tưởng lại có cảm xúc đặc biệt với biển, anh cho biết: "Với tôi, Biển như là một người tình, người mẹ bao dung rộng lượng luôn vỗ về đầy yêu thương trìu mến. Thuở nhỏ khi ở quê chưa biết Biển là gì, chỉ nghe kể biển rất mênh mông rộng lớn. Hồi ấy, khi úp con ốc vào tai ta nghe như sóng vỗ dạt dào du dương và tưởng tượng ra một cách rất mơ hồ và trìu tượng. Sau này lớn lên được học, nghe thông tin qua sách báo thi ca. Rồi đi biển, tắm biển, ngắm biển và tiếp xúc với biển qua những ngư dân các làng chài ven biển. Mới thấy biển thật đẹp và cuốn hút nhường nào, biển đúng là người mẹ vĩ đại của thiên nhiên cao cả".

Điều đặc biệt tại triển lãm này là 18 nghệ sĩ cùng chung một đề tài, họ cùng trên những chuyến đi sáng tác thực tế, ăn, ở cùng nhau, nhưng cũng trên cái chung ấy mỗi nghệ sĩ lại phải lách qua nhau, phải lùi lại để ngắm lại mình, lùi lại để ngắm bạn mình để mình đổi mới, để mình khác hơn, khác với bạn, khác với chính mình mà vẫn là mình, chính cái đó khiến 18 nghệ sĩ như cộng sinh thêm sức mạnh tập thể mà vẫn phát triển được theo từng cá nhân – chẳng ai giống ai và họ đã làm được. Đây là cái khó mà ít nhóm làm thành công… Có thể nói, các họa sĩ đều có chung một một mong muốn, nguyện vọng góp phần giữ gìn màu xanh của biển.