Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hôm nay, hội chẩn chuẩn bị ghép phổi cho bệnh nhân phi công người Anh mắc Covid-19

(Dân sinh) - Hôm nay (10/5), theo chỉ đạo của Bộ Y tế, các chuyên gia từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) sẽ tiến hành hội chẩn chuyên môn về vấn đề ghép phổi cho bệnh nhân 91 (nam phi công, người Anh, 43 tuổi). Đây là bệnh nhân Covid-19 nặng nhất tại nước ta hiện nay.

Trước đó, báo cáo gần đây cho thấy hai phổi của bệnh nhân 91 nam phi công người Anh đã đông đặc, các chuyên gia đang xem xét ghép phổi cho bệnh nhân này.

Hiện tại, tình trạng bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp ổn định, đang tiếp tục dẫn lưu, lọc máu, tiếp tục thở máy, ECMO, tiên lượng còn nặng.

Vì vậy, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã đề nghị Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Sở Y tế TP HCM và Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tiến hành chuẩn bị phương án ghép phổi cho bệnh nhân 91. Ngoài ra, còn phải phụ thuộc nhiều yếu tố khác như nguồn cho phổi, độ tương thích của người cho phổi và người nhận phổi...

Ở nước ta, Bệnh viện 103 là đơn vị có thể ghép phổi từ người cho còn sống. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có thể ghép phổi từ người hiến đã chết não.

Hôm nay, hội chẩn chuẩn bị ghép phổi cho bệnh nhân phi công người Anh mắc Covid-19 - Ảnh 1.

Bệnh nhân 91 đã sử dụng thiết bị ECMO 34 ngày, hai phổi đông đặc. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM.

Kể từ ngày nhập viện, bệnh nhân suy hô hấp tăng dần. Bác sĩ phải hỗ trợ từ biện pháp hô hấp bằng cách thở oxy qua mũi, sau đó chuyển sang thở oxy qua mặt nạ, thở máy xâm lấn và tới ngày 6/4 phải can thiệp ECMO (thiết bị tim phổi nhân tạo) đến ngày thứ tư.

Hệ miễn dịch của bệnh nhân 91 đã phản ứng quá mức khi bị SARS-CoV-2 tấn công, khiến cơ thể tiết ra nhiều chất cytokine chống lại chính cơ thể, gây ảnh hưởng phủ tạng. Hiện tượng này y học gọi là Hội chứng giải phóng cytokine, hay cơn bão cytokine nhưng không thể lý giải được nguyên nhân.

Theo báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, đến sáng nay, nam phi công nằm yên với thuốc an thần, mạch và huyết áp ổn định, có dùng thuốc vận mạch. Ống dẫn lưu màng phổi cho dịch màu hồng nhạt khoảng 200 ml.

Kết quả siêu âm tim cho thấy tim tăng động. Phổi phải không có hình ảnh tràn khí, xẹp thuỳ sau dưới, không dịch màng phổi. Phổi trái có nhiều B lines mặt trước, mặt bên hông, đông đặc thùy dưới, không dịch màng phổi.

Xét nghiệm PCR dịch mũi họng, dịch rửa phế quản và nước bọt của bệnh nhân ngày 9/5 cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Trước đó, bệnh nhân nhiều lần cho kết quả đan xen âm tính lẫn dương tính. Ngày 6/5, mẫu phết họng của bệnh nhân cho kết quả dương tính sau 5 lần liên tiếp âm tính.

Toàn bộ chi phí điều trị cho bệnh nhân 91 được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM chi trả. Đến nay, chi phí đã hơn 4 tỷ đồng. Bệnh nhân tiếp tục được thở máy, lọc máu, kháng sinh, kháng nấm và phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO. Tiên lượng còn rất nặng.

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, lý do phi công còn ở nhóm tuổi, nguy cơ không phải cao nhất nhưng lại là một trong những ca bệnh nặng là do phi công này có tình trạng béo phì, thuộc nhóm bệnh có nguy cơ cao nếu mắc thêm COVID-19.