Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hơn 17 tỷ đồng cho giáo dục nghề nghiệp, việc làm và an toàn lao động

(Dân sinh) - Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động (TTLĐ) và tăng cường an toàn, vệ sinh lao động… đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/6/2017, phê duyệt Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020, trong đó “Phát triển TTLĐ và việc làm” là một trong ba dự án của chương trình.

Theo dó, mục tiêu của dự án là nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động; hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số; hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp, lập nghiệp và phát triển hệ thống thông tin TTLĐ, từ đó góp phần đẩy mạnh giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Hơn 17 tỷ đồng cho giáo dục nghề nghiệp, việc làm và an toàn lao động - Ảnh 1.

Nguồn nhân lực luôn được xác định là trụ cột của nền kinh tế.

Tổng kinh phí thực hiện dự án là 1.146,8 tỷ đồng (có thể điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt quá 1.995 tỷ đồng), trong đó nguồn từ ngân sách Trung ương 606,8 tỷ đồng; nguồn từ ngân sách địa phương 450 tỷ đồng; nguồn từ viện trợ nước ngoài và các nguồn huy động khác 90 tỷ đồng.

Phát triển hệ thống thông tin TTLĐ là một nội dung quan trọng của dự án, bao gồm các hoạt động như: Hỗ trợ hoạt động giao dịch việc làm; Thu thập, cập nhật, quản lý và phân tích, dự báo TTLĐ, cụ thể là thu thập, cập nhật, quản lý cung - cầu lao động; phân tích, dự báo TTLĐ, đánh giá tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của TTLĐ; phát triển mạng thông tin việc làm, cơ sở dữ liệu người tìm việc, việc tìm người của hệ thống Trung tâm DVVL; nâng cao năng lực Trung tâm tích hợp dữ liệu TTLĐ; nâng cấp, phát triển mạng thông tin internet việc làm; nâng cấp cổng thông tin việc làm Việt Nam; xây dựng hệ thống mạng kết nối các Trung tâm DVVL địa phương và Trung ương.

Để thực hiện chương trình mục tiêu trên, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 580/QĐ-LĐTBXH ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đầu tư nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp, việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020, dự án "Phát triển thị trường lao động và việc làm" năm 2020 của Cục Việc làm với tổng kinh phí thực hiện là 17,6 tỷ đồng.

Cụ thể, tại Quyết định số 580/QĐ-LĐTBXH phê duyệt Kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp, việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016-2020, dự án "Phát triển thị trường lao động và việc làm" năm 2020 của Cục Việc làm, các nội dung được triển khai bao gồm: Hỗ trợ giao dịch việc làm; Phân tích, dự báo thị trường lao động; Cập nhật cơ sở dữ liệu cung – cầu lao động; Điều tra thị trường lao động; Phát triển mạng thông tin việc làm; Nâng cao năng lực, truyền thông, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện dự án.

Trong công tác hỗ trợ giao dịch việc làm, Cục Việc làm sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 4 tỉnh, thành phố nhằm kết nối hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm tại 4 tỉnh, thành phố trong công tác cung cấp thông tin thị trường lao động và công tác kết nối giới thiệu việc làm, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu, lao động và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố kết nối tuyển dụng; Tổ chức hoạt động hỗ trợ giới thiệu việc làm cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc và Nhật Bản về nước nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao với các doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ người lao động tìm kiếm được việc làm đúng nhu cầu, trình độ đã được làm tại nước ngoài; Tổ chức phiên giao dịch việc làm dành cho bộ đội xuất ngũ.

Hơn 17 tỷ đồng cho giáo dục nghề nghiệp, việc làm và an toàn lao động - Ảnh 2.

Chú trọng dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật.

Trong nội dung phân tích, dự báo thị trường lao động, Cục Việc làm sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng mô hình dự báo thị trường lao động; Xây dựng các ấn phẩm phân tích dự báo thị trường lao động; Đào tạo, tập huấn nghiệp vụ phân tích dự báo thị trường lao động; Xây dựng thí điểm mô hình tổ chức phân tích dự báo cấp địa phương.

Về việc cập nhật cơ sở dữ liệu cung – cầu lao động, các hoạt động được triển khai gồm có in sổ ghi chép thông tin thị trường lao động – phần cung lao động; Cập nhật cơ sở dữ liệu cung, cầu lao động.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổ chức điều tra thị trường lao động nhằm thu thập thông tin về tình hình sử dụng lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp nhằm đánh giá thực trạng tuyển dụng và sử dụng lao động, đánh giá việc gắn kết giữa đào tạo nghề nghiệp và tình hình sử dụng lao động, đánh giá mức độ đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp đối với người lao động, cung cấp thông tin làm cơ sở phục vụ dự báo ngắn hạn về nhu cầu sử dụng lao động, đánh giá tác động do ảnh hưởng của dịch Covid19 đến thị trường lao động nói chung và doanh nghiệp, ngươi lao động theo ngành, nghề nói riêng.

Về phát triển mạng thông tin việc làm nhằm nâng cao năng lực Trung tâm tích hợp dữ liệu thị trường lao động; nâng cấp cổng thông tin việc làm Việt Nam kết nối với hệ thống phần mềm ES; xây dựng mạng kết nối các Trung tâm dịch vụ việc làm và nâng cấp. Nâng cao năng lực, truyền thông, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện dự án thông qua việc tổ chức hội nghị, tập huấn. Cùng với đó, tổ chức tập huấn bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước về việc làm với các nội dung như, Quy định mới của Bộ Luật lao động trong lĩnh vực lao động, việc làm; Những quy định mới liên quan đến vấn đề lao động, việc làm trong các Hiệp định, Thỏa thuận thương mại; Quy định mới về Quỹ quốc gia việc làm và những văn bản hướng dẫn; Hệ thống chỉ tiêu lao động, việc làm.