Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hơn 300 đại biểu tham dự Hội thảo khoa học Chiến thắng Ấp Bắc

(Dân sinh) - Ngày 29/12, tại Hội trường Ấp Bắc, Tỉnh ủy Tiền Giang phối hợp với Bộ Quốc phòng và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Chiến thắng Ấp Bắc 1963 - Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Chủ trì Hội thảo gồm: Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo Hội thảo; ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chủ trì Hội thảo,...

Hội thảo còn có sự tham dự của hơn 300 đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Bộ Quốc phòng; các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đại biểu các Bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh và thành phố; các tướng lĩnh, sĩ quan; các nhà khoa học…

Hội thảo Khoa học với chủ đề Chiến thắng Ấp Bắc 1963 - Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hội thảo Khoa học với chủ đề Chiến thắng Ấp Bắc 1963 - Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh cho biết, năm tháng qua đi, nhưng chiến thắng Ấp Bắc năm 1963 vẫn luôn in đậm trong lòng người dân Tiền Giang và người dân cả nước. Tỉnh Yên Bái có Trường Quân sự Ấp Bắc; tỉnh Nam Định có Cống Ấp Bắc, là cống ngăn mặn có quy mô lớn tại cửa biển Nam Điền được xây dựng từ năm 1963 và còn sử dụng cho đến ngày nay. Nhiều tỉnh, thành trên cả nước đặt tên Ấp Bắc cho những công trình công cộng, như tên trường học, tên đường phố. Không những thế, Ấp Bắc còn được đặt tên cho một ngôi làng ở nước Cộng hòa Cuba anh em, cách Việt Nam nửa vòng trái đất.

Đối với nhân dân Tiền Giang, tinh thần Chiến thắng Ấp Bắc đã trở thành truyền thống bất khuất, anh hùng, thấm sâu vào máu thịt, trở thành ý chí, quyết tâm và là nguồn động lực thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh tiếp tục chiến đấu dũng cảm vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng viện Lịch sử Quân sự, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo báo cáo tổng thuật.

TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng viện Lịch sử Quân sự, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo báo cáo tổng thuật.

Phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần tự hào từ chiến thắng Ấp Bắc oanh liệt, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, gần đây là ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19; với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Giang đã khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới sau đại dịch; hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2022, tỉnh thực hiện đạt và vượt so với Nghị quyết và tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Tại Hội thảo, đại biểu được nghe các bài tham luận về chiến thắng Ấp Bắc: chiến thắng Ấp Bắc - mấy vấn đề về xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố hiện nay; bài học về xây dựng thế trận phòng thủ Quân khu; Phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công” ở chiến trường Nam bộ; Chiến thắng Ấp Bắc niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Thị xã Cai Lậy…

Theo đó, chiến thắng Ấp Bắc là minh chứng khẳng định chủ trương chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo của Đảng, trực tiếp là Khu ủy khu 8 và Tỉnh ủy Mỹ Tho; Thắng lợi trong trận Ấp Bắc đánh dấu bước trưởng thành của quân giải phóng miền Nam Việt Nam; Chiến thắng Ấp Bắc có vị trí, ý nghĩa quan trọng, để lại những kinh nghiệm và bài học quý, làm cơ sở cho việc vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; chiến thắng Ấp Bắc có sức lan tỏa mạnh mẽ, có giá trị giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, lòng tự hào dân tộc tinh thần tự lực, tự cường, là điểm tựa để Đảng bộ nhân dân Tiền Giang tiếp tục vươn lên.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Huy Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo Hội thảo khẳng định: một số tham luận với nội dung phong phú, chất lượng khoa học tốt, góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề và nội dung quan trọng, trong đó có một số khía cạnh mới được công bố về Chiến thắng Ấp Bắc cũng như đối với tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Huy Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo Hội thảo tổng kết Hội thảo.

Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Huy Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo Hội thảo tổng kết Hội thảo.

Một là, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Khu 8, Tỉnh ủy và Ban Quân sự tỉnh Tiền Giang, quân và dân ta đã vượt qua khó khăn, gian khổ, chiến đấu anh dũng, kiên cường, đánh bại cuộc hành quân càn quét quy mô lớn của Mỹ và quân đội Sài Gòn với các chiến thuật tân kỳ “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận”, đã gây tiếng vang lớn trong phong trào đấu tranh cách mạng của Khu 8 nói riêng và trên toàn miền Nam nói chung; mở ra khả năng mới cho quân và dân ta đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Phát huy tinh thần Chiến thắng Ấp Bắc, từ sau ngày giải phóng (1975), Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Tiền Giang đã đạt được nhiều thành tựu quan trong trong quá trình xây dựng, đổi mới và phát triển.

Những sự kiện đó đã để lại nhiều bài học và kinh nghiệm quý có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Hai là, Hội thảo đã nêu bật tầm vóc, ý nghĩa, cung cấp nhiều tư liệu quý, những đánh giá mới về Chiến thắng Ấp Bắc.

Sau Hội thảo này, rất mong các đồng chí tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, cung cấp các tư liệu mới liên quan tới Chiến thắng Ấp Bắc để các cơ quan bổ sung vào các công trình nghiên cứu, làm phong phú và đầy đủ hơn về sự kiện lịch sử quan trọng này.

Ba là, các tham luận khoa học gửi về tham gia Hội thảo đã được tổng hợp, xuất bản thành sách. Đây là tài liệu nghiên cứu, tuyên truyền, học tập và giáo dục có giá trị về lịch sử chiến tranh. Vì vậy, đề nghị các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong Quân đội tích cực khai thác, sử dụng kết quả nghiên cứu vào quá trình giáo dục - đào tạo, thực tiễn huấn luyện, học tập và xây dựng cơ quan, đơn vị mình.

Bốn là, cần tuyên truyền rộng rãi cho thế hệ trẻ hiểu rõ, hiểu đúng về tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử Chiến thắng Ấp Bắc; khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng tiến công, nhằm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Quân đội giao phó.