Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hơn 3.000 trẻ tử vong do đuối nước mỗi năm

(Dân sinh) - Hội nghị khoa học quốc gia về phòng, chống tai nạn thương tích (do Bộ Y tế phối hợp cùng Trường Đại học Y tế công cộng, Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu tổ chức) đã diễn ra ngày 12/11, tại Hà Nội.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, mỗi năm trên thế giới có hơn 600.000 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước, 2/3 trường hợp xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Đuối nước là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 19 tuổi, trong đó trẻ nam bị đuối nước nhiều gấp 2 lần trẻ nữ. Đuối nước cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 trẻ em Việt Nam mỗi năm.

Dự hội nghị, gần 250 nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng trao đổi để tìm giải pháp, nhằm giảm thiểu gánh nặng tai nạn thương tích ở Việt Nam. Thống kê của Bộ Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cho thấy, chỉ khoảng 30% học sinh tiểu học và trung học cơ sở biết bơi. Trong khi đó, tỉ lệ đuối nước chiếm 50% các vụ tai nạn tử vong, thương tích ở trẻ em. Đại diện Bộ Y tế cho hay, 10 năm qua, các chính sách và can thiệp phòng chống tai nạn thương tích của các bộ, ngành, địa phương đã góp phần giảm gần 20% tỉ lệ tử vong do tai nạn thương tích tại cộng đồng.

Mặc dù so với 10 năm trước, con số này đã giảm hơn 1.300 trường hợp, nhưng đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Vì thế, các chuyên gia cho rằng dạy bơi, học bơi là giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em, nhất là môi trường sống tại Việt Nam gần nhiều sông nước.

Để hạn chế tử vong vì đuối nước, từ năm 2018, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã phối hợp với WHO, CHAI triển khai các chương trình can thiệp về phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam tại 8 tỉnh có tỉ lệ trẻ em tử vong vì đuối nước cao nhất: Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Quảng Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Trong đó, dự án chú trọng hỗ trợ các biện pháp đảm bảo trông giữ trẻ em an toàn, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi tại gia đình, cộng đồng và dạy kỹ năng bơi sống còn cho trẻ em từ 6 - 15 tuổi thay vì bơi thông thường. Sau hơn 1 năm triển khai, khoảng 6.000 trẻ đã được học bơi an toàn và học kỹ năng trong môi trường nước với sự hỗ trợ giảng dạy của 550 giáo viên dạy bơi. Dự kiến đến cuối năm nay, trên 16.000 trẻ sẽ có kỹ năng bơi an toàn.

Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em cho biết, khi kết thúc khoá học, trẻ phải đạt chỉ tiêu bơi tối thiểu 25m và nổi được 90 giây.