Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hơn 6.600 hộ vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội đã thoát nghèo

Ngày 5/7/2022, UBND huyện Đại Lộc tổ chức tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ trên địa bàn huyện. Tại hội nghị các đại biểu đã đánh giá kết quả rất khả quan, nguồn lực tín dụng chính sách đã góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Hảo-Bí thư Huyện ủy, Đại Lộc là một huyện đồng bằng và trung du, với 18 xã, thị trấn (trong đó có 9 xã miền núi). Có 841 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 1,97%, hộ cận nghèo 1.110 hộ chiếm tỷ lệ 2,6%. Phần lớn lao động chủ yếu làm nông nghiệp, lao động theo thời vụ, lao động chưa có việc làm còn nhiều, thu nhập thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tình hình lạm phát, giá cả thị trường luôn biến động, mức tiêu thu sản phẩm đạt thấp, đặc biệt những năm gần đây do tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến đời sống nhân dân và gây không ít khó khăn cho công tác triển khai thực hiện. Nhưng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền địa phương và sự phối hợp với các Ban, ngành, đoàn thể; sự chỉ đạo tạo điều kiện của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Quảng Nam; Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, hoạt động tín dụng ưu đãi của NHCSXH huyện Đại Lộc đã vượt qua mọi khó khăn thử thách và đạt được nhiều kết quả khả quan góp phần cùng với huyện thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu về xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới.

“Có thể nói NHCSXH ra đời là công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết trong nền kinh tế thị trường đến với những đối tượng là người nghèo và các đối tượng chính sách khác, là một trong những công cụ đòn bẩy kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị là sử dụng các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay ưu đãi phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo, ổn định xã hội”- Ông Nguyễn Hảo-Bí thư huyện ủy Đại Lộc khẳng định. 

Bi thu Dai Loc

Ông Nguyễn Hảo-Bí thư Huyện ủy Đại Lộc phát biểu tại hội nghị 

Hơn 6.600 hộ vay vốn NHCSXH đã thoát nghèo

Theo ông Đặng Văn Kỳ-Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSX) huyện, kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện rất phấn khởi. Đặc biệt là đối với chương trình cho vay ưu đãi hộ nghèo là mục tiêu quốc gia về giảm nghèo của Nhà nước nhằm tập trung nguồn lực tài chính của Nhà nước vào một đầu mối để cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống và từng bước tiếp cận các điều kiện kinh tế thị trường. Tổng doanh số cho vay 20 năm (2003-2022) là gần 186 tỷ đồng, giải quyết cho 19.317 lượt hộ vay; Doanh số thu nợ đạt hơn 186 tỷ đồng. Mức cho vay bình quân từ 2,6 triệu đồng/ hộ (năm 2003)  đã lên 37,5 triệu đồng/hộ (năm 2022). 

Cho vay hộ cận nghèo, tổng doanh số cho vay (2013-2022) là hơn 147 tỷ đồng, giải quyết cho 4.933 lượt hộ vay; Mức cho vay bình quân 38,8 triệu đồng/hộ (năm 2022). Cho vay hộ mới thoát nghèo, tổng doanh số cho vay (2015-2022) là hơn 265 tỷ đồng, giải quyết cho 5.774 lượt hộ vay; Doanh số thu nợ đạt hơn 73 tỷ đồng. Mức cho vay bình quân 44,9 triệu đồng/hộ (năm 2022). 

“Có thể nói, đồng vốn của chương trình các chương trình này được định hướng vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua việc vay vốn nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế và giải quyết được nhiều lao động có việc làm, từng bước vươn lên làm giàu, nhiều cá nhân điển hình, nhiều mô hình kinh tế được phát triển với quy mô lớn như hộ Nguyễn Thị Bích Trâm thôn Hội Khách Tây, xã Đại Sơn vay 50 triều đầu từ trồng keo 4,5ha, hiện nay mở rộng chăn nuôi bò, ông  Ngô Chút – thôn Phú Phong, xã Đại Tân đầu tư  03 ha trồng keo lá tràm, ông Đinh Tý thôn Tây Gia, xã Đại Minh vay 50 triệu đầu tư chăn nuôi bò, hiện tại có 4 con  bò,..nhờ nguồn  vốn ưu đãi mà nhiều hộ mới có điều kiện thoát nghèo, có sự cải thiện về cuộc sống, chuyển biến nhận thức và cách thức làm ăn, ý chí vươn lên thoát nghèo ngày càng tăng, không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự cứu trợ của Nhà nước, nhiều hộ gia đình tiếp cận được dịch vụ tài chính ngân hàng và có ý thức đầu tư lớn để phát triển kinh tế khi thoát nghèo, có khoảng 6.604 hộ vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội đã thoát nghèo. Có thể khẳng định gần 20 năm triển khai cho vay các chương trình này, đã góp phần tích cực vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo qua các năm, từ đó góp phần cùng với địa phương thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới"-Ông Đặng Văn Kỳ-Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc đánh giá.

Dang Van Ky

Ông Đặng Văn Kỳ-Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc

Hỗ trợ tạo việc làm cho gần hơn 3.100 lượt người lao động

Bà Lê Thị Xuân Trang-Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho biết, trong 20 năm qua, NHCSXH huyện đã cho vay gần 89 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 3.100 lượt người lao động. Mục đích cho vay của chương trình là nhằm tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, người thiếu việc làm tự tạo việc làm, người sử dụng lao động có điều kiện bố trí việc làm để tránh cho người lao động không bị mất việc làm, tạo ra sản phẩm cho xã hội, tăng thu nhập phục vụ đời sống cho người lao động. Hàng năm có 150-200 lao động được tạo việc làm mới và tăng thêm việc làm cho người lao động; trợ giúp thất nghiệp, người thiếu việc làm tự tạo việc làm, người sử dụng lao động có điều kiện bố trí việc làm để tránh cho nhiều người lao động không bị mất việc làm, tạo ra sản phẩm cho xã hội và có thu nhập phục vụ cho đời sống của người lao động. Bà Lê Thị Xuân Trang-Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện đánh giá: Thông qua chương trình này góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn, làm thay đổi nhận thức một số bộ phận những hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, lẻ chưa bắt kịp với phương thức sản xuất lớn, nhiều mô hình được đầu tư có hiệu quả như:  Dự án Trồng Nấm hộ Nguyễn Thị Phi Anh thôn Tân Hà- xã Đại Lãnh vay số tiền 90 triệu đồng,  Dự án ông Nguyễn Yên thôn Mỹ An- xã Đại Quang vay 90 triệu đầu tư mua máy gia công làm Mộc, hộ Ngô Văn Chi -An Bằng- Đại Thạnh vay giải quyết việc làm 90 triệu đồng  để mua máy vò chè gia công chế biến cây chè xanh …Cùng với sự tham gia quản lý chương trình của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức hội đoàn thể,.. thông qua hoạt động cho vay, các tổ chức này đã có điều kiện đi sâu, đi sát tới từng cơ sở, gắn kết hoạt động kinh tế với nhiệm vụ chính trị của tổ chức mình, đẩy mạnh các phong trào thi đua làm kinh tế giỏi.

Le Thi Xuan Trang

Bà Lê Thị Xuân Trang-Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện

Ngoài chương trình cho vay hộ nghèo phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo, vốn vay giải quyết việc làm; trong 20 năm qua NHCSXH huyện cũng đã cho vay gần 131 tỷ đồng đã giúp cho hơn 7.908 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với 9.347 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về tài chính do tại nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh được vay vốn để theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở dạy nghề, không phân biệt loại hình đào tạo công lập hay dân lập và thời gian đào tạo trên một năm hay dưới một năm, mức cho vay được điều chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn, lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh linh hoạt hơn. Từ mức vay 800 ngàn tháng  đến 4 triệu đồng/tháng.  

Hoi Nong dan

Bà Lê Thị Minh Tâm-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh về tham dự phát biểu tại hội nghị

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp các hộ gia đình nghèo, gia đình khó khăn giảm đáng kể gánh nặng tài chính, nỗ lực không để một học sinh, sinh viên nào đỗ Đại học, Cao đẳng phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, góp một phần giúp cho các em hoàn thành chương trình khóa học, không có em nào bỏ dở nữa chừng. Đa số các hộ vay và học sinh, sinh viên đều có ý thức và trách nhiệm trả lãi và nợ khi đến hạn. Từ đó chương trình Học sinh sinh viên đã góp phần thúc đẩy phong trào học tập ở các địa phương nghèo, Đại Lộc đã duy trì được phong trào hiếu học nhiều gia đình đã có điều kiện nuôi con ăn học mà không lo về tài chính như hộ bà Nguyễn Thị Kim Lan - Khu Nghĩa Phước, Thị trấn Ái Nghĩa vay vốn só tiền 81,5 triệu đồng cho 2 sinh viên, Hộ Nguyễn Thị Bảy- Thôn Lâm Tây, xã Đại Đồng vay vốn số tiền  95 triệu đồng cho 2 sinh viên,...

"Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên là chương trình có tính nhân văn sâu sắc, tính xã hội hóa cao, tăng thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đặc biệt là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ đó, chương trình cũng đã tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước"- Bà Lê Thị Xuân Trang-Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện chia sẻ.