Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hợp đồng đình trệ, kế toán rối tung vì VAT quảng cáo điện tử 8% hay 10%

Hơn một tháng kể từ khi áp dụng nghị định 15 của Chính phủ về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8%, nhiều doanh nghiệp vừa làm vừa lo vì chưa được hướng dẫn cụ thể, trong khi việc giảm thuế này đang gặp nhiều vướng mắc. Đáng chú ý, trong hoạt động quảng cáo báo chí (trên các ấn phẩm báo điện tử và báo in) cũng khiến nhiều doanh nghiệp và kế toán "méo mặt" khi áp dụng.

Quảng cáo trên báo điện tử áp mức thuế nào?

Việc giảm thuế VAT được thực hiện theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị định số 15 của Chính phủ ban hành ngày 28.1. Sau 1 tháng áp dụng, việc thực hiện vẫn còn nhiều lúng túng, vướng mắc.

Đáng chú ý, trong hoạt động quảng cáo báo chí (trên các ấn phẩm báo điện tử và báo in) cũng "hoang mang tột độ" khi áp dụng vì mỗi nơi hiểu một kiểu và không được hướng dẫn cụ thể.

Trao đổi với Lao Động, kế toán trưởng của một cơ quan báo chí cho hay: "Chúng tôi nhiều lần liên hệ với cán bộ có trách nhiệm tại Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế... đều chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Cán bộ quản lý thuế trực tiếp cũng chỉ hướng dẫn là đọc Nghị định và căn cứ theo Phụ lục. Trong khi Phụ lục của Nghị định rất nhiều danh mục sản phẩm, hàng hoá, muốn tra cứu, áp dụng chính xác cũng không phải chuyện đơn giản".

Vị này cũng cho rằng, nhóm kế toán trưởng một số cơ quan báo cũng tranh luận rất nhiều về vấn đề này và cùng chốt là căn cứ theo Phụ lục III của Nghị định. Ngày 21.2, một trang báo ở Hà Nội đã có văn bản hỏi Cục Thuế Hà Nội, nhưng chưa nhận được văn bản trả lời.

"Tôi được biết, một số cơ quan báo chí cấp toàn bộ các loại hình quảng cáo với thuế suất 8%, nhưng chính sách thuế là tự khai và tự chịu trách nhiệm. Sau một vài năm thực hiện, nếu thanh tra, kiểm toán khẳng định áp dụng không đúng thì báo sẽ phải nộp bù 2% thuế VAT, cộng với việc bị phạt hành chính, phạt chậm nộp (tính từ thời điểm xuất hoá đơn đến thời điểm bị phạt) thì thật sự rất khó cho cơ quan báo chí", kế toán trưởng này cho hay.

Trong khi đó, một doanh nghiệp đang thực hiện hợp đồng tuyên truyền trên báo chí lại khẳng định "sản phẩm quảng cáo trên báo điện tử được giảm thuế xuống còn 8% và một số báo cũng áp dụng chính sách giảm thuế này trên cả điện tử và báo giấy".

Người này cho rằng, Phụ lục III kèm theo Nghị định 15 nêu - các dịch vụ thuộc về truyền tải, phát triển, thiết kế website... từ các nhà cung cấp các dịch vụ duy trì website, thiết kế website và đường truyền thì vẫn giữ nguyên thuế VAT là 10%.

Còn các sản phẩm truyền thông trên báo điện tử thuộc lĩnh vực dịch vụ truyền thông thông tin, quảng cáo sẽ không liên quan tới các dịch vụ cung cấp cho nền tảng website. Do vậy, hoạt động giữa báo và doanh nghiệp không thuộc các dịch vụ không được giảm thuế.

Cùng một văn bản quy định nhưng có sự hiểu không đồng nhất, cùng với việc các cơ quan báo chí, truyền thông áp dụng mức thuế không giống nhau khiến nhiều hợp đồng truyền thông bị đình trệ, không thể triển khai. 

Quảng cáo trên báo chí gặp khó khi xác định thuế suất VAT. Ảnh minh hoạ, nguồn VT

Quảng cáo trên báo chí gặp khó khi xác định thuế suất VAT. Ảnh minh hoạ, nguồn VT

Thắc mắc này được Báo Lao Động đề cập với đại diện Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài Chính) - đơn vị tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 15, song cũng không nhận được câu trả lời rõ ràng.

Một cán bộ Vụ Chính sách Thuế cho hay, hoạt động quảng cáo trên báo điện tử có được hưởng chính sách ưu đãi hay không, phải tham vấn ý kiến của Tổng cục Thuế và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bởi, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chuyên ngành quy định về hoạt động dịch vụ cổng thông tin. Bao gồm dịch vụ điều hành các website sử dụng công cụ tìm kiếm để tạo lập và duy trì các cơ sở dữ liệu lớn các địa chỉ Internet và nội dung theo một định dạng có thể tìm kiếm một cách dễ dàng;

Dịch vụ điều hành các website khác hoạt động như các cổng internet, như các trang báo chí, phương tiện truyền thông cung cấp các nội dung thông tin được cập nhật định kỳ.

Cũng trả lời về vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, về cơ bản, để xác định đối tượng được giảm thuế VAT, cơ sở kinh doanh căn cứ vào các hàng hoá, dịch vụ không được giảm thuế VAT ban hành kèm theo Phụ lục của Nghị định.

Đối với loại hình báo chí sẽ do Bộ Thông tin và Truyền thông căn cứ vào tình hình thực tế để xác định. Về loại hình quảng cáo trên báo điện tử, Tổng cục Thuế đã xin ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông về danh mục ban hành kèm theo Quyết định 15.

Về cơ bản, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định hoạt động quảng cáo trên báo điện tử nằm trong mặt hàng về điện tử và không thuộc diện được giảm thuế theo Nghị định 15.

Theo vị này, tất cả những gì liên quan đến báo điện tử, kể cả quảng cáo trên báo điện tử sẽ không được giảm thuế theo Nghị định, còn quảng cáo trên báo in thì được hưởng ưu đãi của chính sách. 

"Những ngành nghề không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19, như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, các hoạt động khai thác khoáng sản, tài nguyên, viễn thông, thương mại điện tử… thì không được hưởng chính sách ưu đãi thuế", vị này khẳng định. 

Không có hướng dẫn sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, sự lúng túng của doanh nghiệp trong thực hiện chính sách giảm thuế VAT xuất phát từ hai yếu tố. Đó là, ngôn ngữ của văn bản và những giải thích của cơ quan hướng dẫn trên thực tế không thống nhất.

"Văn bản chính thức của Nghị định rất ngắn, nhưng ngôn ngữ lại mơ hồ và danh mục sản phẩm, hàng hoá dịch vụ loại trừ thì rất dài, hàng trăm trang. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp gặp khó khăn", ông Phong nói.

Đây là lần đầu tiên thuế VAT được giảm đồng bộ từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến gia công, tiêu dùng, nhưng giải thích không kỹ. Về nguyên tắc, một sản phẩm xuất phát từ nguồn cung khác nhau, nguyên liệu khác nhau, thì sẽ áp dụng giảm thuế khác nhau.

Trong đó, có nguyên liệu được giảm thuế, có nguyên liệu không được giảm thuế; có nguyên liệu được giảm thì sản phẩm lại không được giảm và ngược lại. Tất cả những chi tiết này lại không có trong Nghị định, cũng không có thông tư hướng dẫn. Trong khi trên thực tế có doanh nghiệp kinh doanh hàng nghìn mặt hàng khác nhau.

Ông Phong cho rằng, với danh mục loại trừ hàng nghìn sản phẩm dịch vụ như vậy... thì đây là "gánh nặng" của doanh nghiệp, phát sinh nhiều chi phí về nhân lực.

"Tôi cho rằng, cần phải có những hướng dẫn kỹ hơn, nếu không có thông tư thì Bộ Tài chính phải có hệ thống hướng dẫn nhanh, gửi thống nhất đến tất cả cơ sở thuế trên cả nước", ông Phong cho hay.