Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm buôn bán ma túy

(Dân sinh) - Thời gian qua, Mạng lưới Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) ở Việt Nam đã hỗ trợ tích cực cho các lực lượng chức năng thực hiện thành công các chuyên án dọc biên giới và xuyên quốc gia, trong đó có nhiều chuyên án về phòng chống tội phạm buôn bán ma túy.

Theo Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), lực lượng chức năng Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức kép tại các khu vực cửa khẩu biên giới, đó là cơ chế phối hợp điều tra tội phạm xuyên quốc gia chưa hoàn thiện và năng lực chuyên môn của lực lượng thực thi pháp luật còn hạn chế. Điều này dẫn đến nhiều vụ mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới không bị phát hiện hoặc các cuộc điều tra thường chỉ dừng lại ở biên giới quốc gia. Nhiều đường dây, mạng lưới tội phạm lớn trong khu vực chưa được triệt phá.

Hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm tội buôn bán ma túy - Ảnh 1.

Bắt giữ đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia.

Để giải quyết những thách thức này, UNODC và các đối tác trong khu vực, đặc biệt là Bộ Công an Việt Nam tăng cường phối hợp trong hoạt quản lý khu vực biên giới với nỗ lực phòng, chống hoạt động mua bán ma túy bất hợp pháp qua biên giới thông qua Mạng lưới BLO.

Báo cáo UNODC 2021 với tựa đề "Ma túy tổng hợp tại khu vực Đông và Đông Nam Á: Diễn biến và thách thức mới nhất" chỉ ra rằng mua bán ma túy trong khu vực tiếp tục gia tăng bất chấp các biện pháp đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhằm mục đích ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Năm 2020, lượng ma tuý bị thu giữ ở Việt Nam và các nước khu vực hạ lưu sông Mekong tăng 19% so với năm trước.

Việt Nam đang bị lợi dụng như một điểm trung chuyển của các tổ chức tội phạm. Các đối tượng tội phạm thường vận chuyển ma tuý trái phép và các hàng hoá bất hợp pháp khác qua biên giới trên bộ giữa Việt Nam với Campuchia và Lào trước khi vận chuyển đến các quốc gia khác thông qua các cảng biển lớn của Việt Nam.

Bà Valentina Pancieri, Điều phối viên Chương trình Quản lý biên giới của UNODC khu vực cho biết: "Quản lý biên giới và hợp tác quốc tế là một trong những trọng tâm trong chương trình nghị sự ASEAN, trong đó hợp tác quốc tế được coi là kết nối an ninh khu vực trong công tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. Các văn phòng BLO đã có đóng góp cực kỳ quan trọng trong công tác có ý nghĩa này".

Trong khi đó, Thiếu tướng Đỗ Đức Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống BLO với vai trò là kênh trao đổi thông tin quan trọng, hỗ trợ tích cực và nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy qua biên giới; góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các lực lượng phòng, chống ma túy hai nước ngày càng gắn bó và phát triển. Nhờ vậy, đã có nhiều vụ ma túy lớn, có yếu tố nước ngoài được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn an ninh trật tự và sự bình yên khu vực biên giới.

Tại Việt Nam, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với UNODC, các cơ quan trong nước và chính phủ nước ngoài trong công tác đấu tranh phòng, chống hoạt động mua bán ma túy trái phép tại các địa bàn cửa khẩu trong toàn khu vực.

Với sự hỗ trợ kỹ thuật và chính sách từ UNODC, mạng lưới BLO đã đóng góp vào các nỗ lực phòng, chống tội phạm về ma túy thông qua việc xây dựng một nền tảng chia sẻ thông tin giữa các cơ quan đối biên và thúc đẩy hợp tác toàn khu vực. Mạng lưới này cũng hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật của các quốc gia, từng bước nâng cao hiệu quả công tác phối hợp đấu tranh, phòng chống tội phạm và ma túy qua biên giới.