Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hưng Yên: Quan tâm thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng

(Dân sinh) - Tỉnh Hưng Yên hiện có trên 146 nghìn người có công với cách mạng, trong đó có hơn 24 nghìn người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Với tình cảm, trách nhiệm, sự tri ân của thế hệ sau đối với những người đã hy sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Hưng Yên luôn thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có công, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình người có công.

Chính sách đối với người có công được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng quy định

Trên cơ sở các quy định về chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, tỉnh đã lãnh đạo quán triệt, triển khai một cách sâu rộng và hiệu quả Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhiều văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan.

Hưng Yên: Quan tâm thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng - Ảnh 1.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tiếp nhận ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.

Trong 5 năm (2012 – 2018), tỉnh Hưng Yên đã ban hành nhiều văn bản quan trọng trong lĩnh vực người có công. Trong đó, Tỉnh ủy ban hành 55 văn bản chỉ đạo về thực hiện chính sách ưu đãi người có công, phong trào đền ơn đáp nghĩa, thăm tặng quà nhân dịp tết Nguyên đán và kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 hằng năm. Hội đồng nhân dân tỉnh đưa một số chỉ tiêu về chính sách an sinh xã hội vào Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của tình hằng năm. Đồng thời, thường xuyên tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

UBND tỉnh ban hành 373 văn bản, chỉ đạo về chính sách ưu đãi người có công, phong trào Đền ơn đáp nghĩa, thăm tặng quà, hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng... Cùng với đó, Sở LĐ – TB&XH ban hành 350 văn bản hướng dẫn, đôn đốc, triển khai về công tác ưu đãi người có công và phong trào Đền ơn đáp nghĩa. Các huyện, thành phố cũng đã ban hành hàng trăm văn bản tương ứng để triển khai tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công trên địa bàn.

Nhờ đó, việc thực hiện chính sách đối với người có công được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng quy định. Công tác tiếp nhận hồ sơ và giải quyết các chế độ chính sách đối với người có công được hưởng chế độ trợ cấp một lần, chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong y tế, giáo dục đào tạo, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm... được quan tâm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công.

Từ năm 2012 đến hết năm 2018, tỉnh Hưng Yên đã xác nhận, ban hành quyết định thực hiện các chế độ, chính sách cho khoảng 40.000 trường hợp người có công và thân nhân của người có công với cách mạng, trong đó có 16.000 người được hưởng chế độ thờ cúng liệt sỹ; 12.000 người được hưởng chế độ mai táng phí, 2.639 thân nhân hưởng chế độ tuất từ trần, thực hiện điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho 70.000 lượt người có công...

Trong năm 2019, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức 2 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thực hiện chính sách ưu đãi người có công cho 362 cán bộ, công chức chuyên trách thuộc Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn. Triển khai công tác điều dưỡng cho 9.986 người có công, trong đó điều dưỡng ở tỉnh ngoài cho 1.755 người.

Thực hiện rà soát, hiệu chỉnh thông tin 446 mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. Tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ, thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng như: Giải quyết chế độ thờ cúng mới cho 1.100 người.

Giải quyết chế độ mai táng phí cho 1.970 người; trợ cấp tuất cho 216 người. Cấp lại Giấy chứng nhận thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, chất độc hóa học cho 307 người, thực hiện đính chính thông tin 143 hồ sơ. Giải quyết chế độ Bảo hiểm y tế cho 615 người, chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định 24 là 350 người, chế độ trợ cấp một lần cho người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương là 22 người.

Hưng Yên: Quan tâm thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng - Ảnh 2.

Đoàn viên thanh niên chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ tại huyện Tiên Lữ.

Tiếp nhận 45 hồ sơ thương binh mới xác nhận từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để thực hiện chế độ ưu đãi theo quy định. Giới thiệu 4 trường hợp đi giám định vết thương còn sót. Tiếp nhận 180 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Ban hành 69 Quyết định trợ cấp cho người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; Trình cấp lại Bằng tổ quốc ghi công cho 177 gia đình liệt sĩ, giải quyết chế độ ưu đãi giáo dục cho 60 người; trợ giúp dụng cụ chỉnh hình cho 60 người...

Hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 3.374 hộ gia đình chính sách

Việc chăm lo, tu sửa các công trình ghi công liệt sĩ cũng được các cấp, các ngành thường xuyên thực hiện, đảm bảo khang trang, tôn nghiêm. Từ năm 2016 đến 2018, đã hỗ trợ kinh phí cho 30 xã, phường, thị trấn với nguồn kinh phí là 27 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các công trình ghi công liệt sĩ.

Trong 5 năm, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa toàn tỉnh đã vận động được 38 tỷ đồng; Hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 3.374 hộ gia đình chính sách với tổng kinh phí hơn 95 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 22,9 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 72,9 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm, tỉnh Hưng Yên đã tổ chức tặng quà cho trên 36.000 người có công với khoảng 72.000 suất quà, tổng kinh phí khoảng 32 tỷ đồng/năm.

Thực hiện phong trào Đền ơn đáp nghĩa, năm 2019, toàn tỉnh tỉnh đã vận được 5,8 tỷ đồng ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; Xây dựng và sửa chữa 125 nhà tình nghĩa; Tặng 280 sổ tiết kiệm tình nghĩa. Trong công tác hỗ trợ nhà ở năm 2019-2020, số lượng người có công có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh là 705 hộ. UBND tỉnh đã ban hành quyết định hỗ trợ 610 hộ người có công xây mới với mức hỗ trợ 80 triệu/ hộ bằng các nguồn ngân sách tỉnh, huyện, xã và nguồn xã hội hóa. Phong trào chăm sóc, phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng được quan tâm. Tổng số Bà mẹ Việt Nam anh hùng được công nhận tính đến tháng 12/2019 là 2.227 mẹ, trong đó còn sống là 50 mẹ đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời.

Đánh giá về những kết quả đạt được, ông Đặng Văn Diên, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hưng Yên cho rằng: Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi, bổ sung năm 2012 và các văn bản hướng dẫn với nhiều mục tiêu là mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh, mở rộng diện đối tượng, bổ sung chế độ ưu đãi; quy định điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công phù hợp với thực tiễn điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương là nhân tố động viên, khích lệ tinh thần, góp phần quan trọng bảo đảm cuộc sống của người có công.

Tại Hưng Yên, với sự chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong những năm qua, cùng với cả nước, tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công, tập trung giải quyết những tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công với cách mạng. Ngoài các chế độ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, Hưng Yên cũng đã huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ người có công, tạo điều kiện để họ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Để phát huy những kết quả, thành tích đạt được, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc người có công với cách mạng trong thời gian tới, bên cạnh việc tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, tỉnh Hưng Yên đề nghị các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí để hoàn thành việc xây dựng Trung tâm chăm sóc, điều dưỡng người có công của tỉnh, đảm bảo thực hiện tốt công tác điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho người có công trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; tăng nguồn kinh phí đầu tư cho tỉnh để thực hiện việc xây dựng và tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.

Các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Quốc phòng quan tâm và sớm cung cấp các thông tin giải mã về phiên hiệu đơn vị, thời gian hoạt động, địa bàn hoạt động của các đơn vị quân đội trong thời kỳ kháng chiến. Cung cấp thông tin hiện nay về đơn vị, địa chỉ, cơ quan trực tiếp quản lý cấp trên của các đơn vị trước đây để thuận tiện cho việc liên hệ, xin cấp lại các giấy tờ liên quan phục vụ việc giải quyết chế độ cho người có công.

Bố trí biên chế cán bộ chuyên trách phụ trách kho hồ sơ người có công và có trợ cấp độc hại, đặc thù cho cán bộ phụ trách kho hồ sơ người có công. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền về công tác người có công. Đưa phong trào Đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách đối với người có công là một trong những nội dung của phong trào thi đua yêu nước, là chỉ tiêu xét khen thưởng hoàn thành nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng hằng năm của địa phương. Quan tâm đến nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức ngành LĐ-TB&XH.