Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hướng dẫn cách thau bể ngầm tại nhà an toàn

Sau vụ nguồn nước do Công ty Nước sạch sông Đà cung cấp bị ô nhiễm, nhiều người dân đang rục rịch thau rửa lại bể ngầm chứa nước của gia đình để đón "nước sạch". Để đảm bảo an toàn khi thau rửa bể ngầm, người dân cần có những kỹ năng cơ bản.

Nguy hiểm nào rình rập dưới bể nước ngầm?

Trả lời báo Dân trí, Tiến sĩ Phạm Thị Kim Giang, giảng viên ngành Sư phạm Hóa, trường Đại học Giáo dục, ở những bể ngầm đậy kín lâu ngày, cũng như giếng nước luôn tồn tại một lượng thán khí nhất định, phát sinh từ các hợp chất tồn tại trong nước, từ các hoạt động của vi sinh sinh vật, từ lớp bùn đọng bên dưới lớp đáy… Những khí này có thể bao gồm: CH4, SO2, CO2, H2S, CO và thi thoảng có C2H2, NH3 (thường phát sinh từ lớp bùn).

Tùy vào và tỷ lệ của các chất này mà không khí bên trong bể nước ngầm hoặc sâu bên dưới giếng nước có thể có mùi khó chịu (nhiều H2S, SO2,NH3) hoặc đôi khi chỉ là mùi nhẹ và thậm chí là còn khó phát hiện.

"Hầu hết các trường hợp tử vong khi đang làm việc dưới giếng nước hoặc bể ngầm chứa nước đều do bị ngạt khí, bởi sự hiện diện ở nồng độ cao các thán khí kể trên đã chiếm hết Oxy cần thiết cho việc hô hấp" – Tiến sĩ Kim Giang nhấn mạnh.

Hướng dẫn cách thau bể ngầm tại nhà an toàn - Ảnh 1.

Cần trang bị kỹ năng để thau bể ngầm tại nhà an toàn.

Những lưu ý cần nhớ trước khi thau bể

Vì thế, cần lưu ý trước khi thau bể nên:

- Mở toang nắp bể, nắp hầm chứa, nắp thùng chứa hay dụng cụ đậy giếng.

- Đảm bảo đã ngắt hết mọi nguồn điện dưới bể.

- Nên hỗ trợ máy thổi dưỡng khí (oxy) xuống giếng, bể để pha loãng khí độc và đẩy khí độc lên. Khi đảm bảo không khí trở lại bình thường bạn mới nên xuống phía dưới.

- Trước khi xuống hầm kín, bể nước ngầm hay giếng, nên thả xuống bó đuốc, nến để kiểm tra. Nếu lửa tắt chứng tỏ phía dưới rất thiếu oxy và nhiều khí độc. Khi làm việc trong các môi trường tiềm tàng khí độc như bể chứa nước hay giếng, không nên làm một mình, ít nhất cần có người đứng bên ngoài giám sát phòng trường hợp xấu xảy ra.

Nên trang bị khẩu trang có lớp lọc than hoạt tính khi xuống bể nước thau rửa, trong trường hợp làm việc dưới giếng sâu, tốt nhất cần trang bị mặt nạ chuyên dụng.

Trong quá trình làm việc nếu ngửi thấy mùi khó chịu hoặc cảm thấy khó thở, tức ngực, mệt mỏi hay bất kỳ dấu hiệu nào bất thường, thì cần phải báo cho người làm cùng, người giám sát, đồng thời thoát ra bên ngoài ngay.

Trước khi xuống cũng cần chuẩn bị những phương tiện, dụng cụ bảo hộ đề phòng những trường hợp bất trắc có thể xảy ra.

Cách thau bể nước, thau giếng an toàn

Theo báo Tổ quốc, sau khi lưu ý những điều cần biết phía trên, bạn và người thân hoàn toàn có thể thau rửa bể nước, thau giếng định kỳ theo các bước gợi ý dưới đây.

Chuẩn bị mặt nạ dưỡng khí, dây bảo hiểm để buộc vào người định xuống. Người xuống phía dưới có thể ra hiệu bằng cách giật dây để người phía trên có thể kéo lên kịp thời nếu thấy mùi lạ, thấy khó thở hay gặp bất kỳ sự cố nguy hiểm nào.

Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ vệ sinh bể cũng như đồ bảo hộ thân thể ở mức an toàn nhất như găng tay, khẩu trang, kính, bàn chải, xô nước, chổi cọ rửa, chất tẩy rửa, xi măng và cát, bột chống thấm, con lăn, bay trát xi...

Rút nước lưu trữ bên trong bể bằng cách xả vòi hoặc dùng chậu, xô, máy hút để hút ra. Giữ lại một lượng vừa phải phục vụ cho nhu cầu dọn rửa.

Dùng giẻ lau hoặc nilon để bịt tất cả các đầu miệng ống, hoặc khóa van nước để bụi bẩn không thoát ra ngoài. Nếu không bịt lại, những cặn bẩn sẽ tích tụ phía trong ống, xả nước lại sẽ khiến hệ thống ống bị tắc nghẽn.

Dùng các dụng cụ cọ rửa để làm sạch các mảng bụi bẩn, rong rêu, cặn nước, bùn đất bám trụ lâu ngày... Sau đó dùng xô đã chuẩn bị loại bỏ chúng ra bên ngoài bể.

Với những bể có nghi ngờ nhiễm khuẩn, bạn nên tiến hành cho chất tẩy rửa chuẩn bị từ trước vào bể để đánh tan những mảng cứng trên thành bể.

Rửa toàn bộ bể bằng nước sạch nhiều lần để đảm bảo không bỏ sót lại chất tẩy rửa hay chất bẩn nào.

Trong quá trình vệ sinh bể, nếu phát hiện bể có dấu hiệu nứt, bong tróc, bạn có thể dùng hỗn hợp xi măng và cát để trát kín lại. Khi thấy hỗn hợp khô, cần làm chống thấm cho thành bể để tránh nước bị rò rỉ ra ngoài.

Phơi cho bể khô hoàn toàn mới đổ nước để sử dụng trở lại.